Bệnh Basedow là bệnh gì? Người mắc bệnh Basedow sống được bao lâu?
Cơn bão giáp (nhiễm độc giáp) trong bệnh basedow có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Hiện nay có 3 phương pháp chính để điều trị bệnh Basedow. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về bệnh Basedow.
1 Bệnh Basedow là bệnh gì?
Bệnh Basedow hay bệnh Graves, được đặt tên theo nhà khoa học Robert J.Graves, vào khoảng năm 1835. Đây là tình trạng cường chức năng tế bào tuyến giáp do cơ chế tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tuyến giáp khiến nó hoạt động quá mức.
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình cánh bướm ở phía trước cổ của bạn. Hormone do tuyến giáp tiết ra có vai trò kiểm soát cách cơ thể sử dụng năng lượng. Vì thế, khi cường giáp hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức, nó có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể, thậm chí cả hoạt động của tim.
Bệnh Basedow thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 30 đến 50 và phổ biến hơn ở phụ nữ. Ngoài ra, bệnh này có liên quan đến thiếu máu ác tính, bạch biến, đái tháo đường type 1, suy thượng thận tự miễn, viêm khớp dạng thấp và Lupus ban đỏ hệ thống.
2 Cơ chế bệnh sinh của bệnh Basedow
Bình thường hệ thống miễn dịch tạo ra các protein, được gọi là kháng thể, để chống lại những kẻ xâm lược từ bên ngoài như virus hoặc vi khuẩn. Nhưng trong trường hợp tự miễn, hệ miễn dịch bị rối loạn và có xu hướng tấn công ngược lại các mô và tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.
Trong bệnh Basedow, chức năng của lympho T ức chế bị suy giảm, cho phép chức năng của lympho T helper tăng lên. Lympho T helper kích thích lympho B sản xuất ra kháng thể TRAb (TSH recceptor antibodies - kháng thể kháng thụ thể TSH) gây cường giáp.
Cụ thể, kháng thể TRAb có bản chất là một globulin miễn dịch nhóm G có khả năng gắn vào thụ thể TSH và kích thích tuyến giáp hoạt động (tăng phân chia tế bào, tăng tổng hợp và giải phóng hormone tuyến giáp) giống như khi TSH gắn vào. [1]
Kháng thể TRAb khi gắn vào thụ thể TSH gây ra:
- Hoạt hóa Adenylate cyclase: Làm phát triển tuyến giáp, tăng sinh các mạch máu, tăng tổng hợp và bài tiết hormone tuyến giáp (T3, T4).
- Tăng sinh tế bào tuyến giáp.
- Giúp tuyến giáp tăng cường bắt iod để phát triển.
- Phì đại và phù các cơ hốc mắt nếu TRAb gắn vào các thụ thể TSH ở đáy mắt, phù niêm nếu TRAb gắn vào các thụ thể TSH ở da
3 Nguyên nhân gây bệnh Basedow
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh Basedow vẫn chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bao gồm:
3.1 Yếu tố di truyền
- Có kháng nguyên bạch cầu HLA DR3 và HLA DQ1 0501: Tăng khả năng gây bệnh
- Có kháng nguyên HLA DB1 0701: Bảo vệ và giảm khả năng mắc bệnh
3.2 Yếu tố môi trường
- Stress: Trạng thái căng thẳng, lo lắng, buồn rầu
- Sử dụng thuốc điều trị iod, thuốc chống virus (ở những bệnh nhân AIDS, viêm gan virus được điều trị bằng Interferon)
- Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus
- Chấn thương tuyến giáp hoặc đã từng phẫu thuật tuyến giáp
- Mang thai
- Nhiễm phóng xạ
3.3 Yếu tố nội sinh
- Hormone estrogen có thể có liên quan đến khả năng điều hòa đáp ứng miễn dịch.
Xem thêm: Căng thẳng tinh thần có phải là yếu tố thúc đẩy bệnh Basedow?
4 Triệu chứng lâm sàng của bệnh Basedow
Các triệu chứng của Basedow phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh (đánh giá bằng nồng độ hormone tuyến giáp), thời gian bị bệnh và tuổi tác của bệnh nhân. Triệu chứng lâm sàng bệnh Basedow được chia thành 4 nhóm chính [2]:
4.1 Triệu chứng nhiễm độc giáp
Đây là nhóm triệu chứng phổ biến nhất trong bệnh Basedow, gặp ở khoảng 90% bệnh nhân. Các triệu chứng khá đa dạng, bao gồm:
4.1.1 Triệu chứng toàn thân
- Gầy sút cân do tăng chuyển hóa: Bệnh nhân có thể mất từ 3-20kg trong vòng vài tháng.
- Ăn nhiều, ăn ngon miệng
- Rối loạn tâm thần kinh: Rất mệt mỏi, khó ngủ, thường xuyên trong tình trạng kích thích, hay cáu gắt, khó tập trung, lo lắng nhiều,...
- Rối loạn điều hòa nhiệt: Gây sốt, nóng trong, ra mồ hôi nhiều, khát, uống nhiều.
- Đi tiểu nhiều: Do kích thích bàng quang
- Rối loạn tiêu hóa: Đi ngoài nhiều lần, phân nát,... Có thể bị chẩn đoán nhầm thành viêm đại tràng
- Rối loạn sinh dục: Kinh nguyệt không đều, suy giảm chức năng tình dục, rối loạn cương dương, vú to ở nam giới,...
- Có thể kèm theo bệnh tự miễn khác: Đái tháo đường tuyp 1, Addison
- Loãng xương
- Bong móng tay
4.1.2 Triệu chứng tim mạch
Đây là nhóm triệu chứng quan trọng và được sử dụng trong chẩn đoán bệnh Basedow. Cụ thể, các triệu chứng bao gồm:
- Hồi hộp đánh trống ngực, ngạt thở, đau vùng tim
- Nhịp tim nhanh thường xuyên (kể cả lúc nghỉ), bệnh nhân lớn tuổi có thể bị loạn nhịp tim
- Mệt nhiều khi vận động.
- Huyết áp tâm thu tăng
- Có dấu hiệu kích thích động mạch: Các mạch máu đập mạnh, thấy rõ nhất ở động mạnh chủ bụng.
- Suy tim, rung nhĩ: Thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt, suy tim ở bệnh nhân Basedow đáp ứng rất kém với thuốc digitalis nhưng lại đáp ứng tốt với thuốc chẹn beta.
4.1.3 Triệu chứng thần kinh cơ
- Tăng phản xạ gân xương: Run đầu chi (run nhanh, nhỏ và tăng khi vận động hoặc làm công việc đòi hỏi sự tinh tế)
- Yếu cơ gốc chi: Yếu cơ ở đùi và cánh tay khiến bệnh nhân cảm thấy nhanh mỏi hoặc gặp khó khăn khi leo cầu thang. Triệu chứng này được giải thích là do cơ thể cần nhiểu protid, glucid và lipid hơn để sinh năng lượng.
- Yếu cơ cả thân mình, yếu cơ cổ, hay bị chuột rút.
- Dấu hiệu ghế đẩu (+)
- Hạ Kali máu: Liệt đột ngột, yếu cơ gốc chi, loạn nhịp tim,... Triệu chứng này thường gặp ở nam giới trẻ tuổi và thường xuất hiện về ban đêm
===> Xem thêm: Phân biệt run tay ở bệnh nhân Parkinson và bệnh nhân Basedow?
4.2 Bướu giáp
Khoảng 60-80% bệnh nhân mắc Basedow có biểu hiện bướu giáp và thường gặp ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi (<50 tuổi).
- Tuyến giáp to cả 2 thùy, mức độ vừa phải, mật độ mềm hoặc hơi chắc, không có nhân, không đau.
- Bướu mạch: Có thế nghe thấy tiếng thổi liên tục hoặc thổi tâm thu, sờ có rung miu (ít gặp)
- Kích thước bướu giáp có thể thay đổi theo điều trị. Nếu bệnh tái đi tái lại nhiều lần khiến tuyến giáp bị xơ hóa thì kích thước bướu giáp không trở lại bình thường được.
4.3 Bệnh lý mắt
Khoảng 20-40% bệnh nhân mắc Basedow gặp các triệu chứng liên quan đến mắt, bao gồm:
- Chói mắt, mắt đỏ, mắt sáng long lanh, chảy nước mắt, cận thị
- Có thể có nhìn đôi
- Co cơ mi trên, lồi cả 2 bên mắt, không nhắm kín được mắt
- Viêm củng giác mạc, phù nề quanh hốc mắt
4.4 Bệnh lý da
Các triệu chứng về da ở bệnh nhân Basedow khá hiếm gặp (khoảng 0,5-4%), bao gồm:
- Phù niêm trước xương chày: Đặc hiệu nhưng rất ít gặp. Triệu chứng này thường liên quan đến bệnh lý mắt và thường ở giai đoạn bệnh thuyên giảm. Triệu chứng này là do TRAb làm tăng sản xuất và lắng đọng glycoaminoglycan dưới da; và do sự thâm nhiễm của các lympho bào.
Các triệu chứng bệnh Basedow có thể khác nhau theo từng độ tuổi của bệnh nhân. Điển hình ở nhóm bệnh nhân dưới 50 tuổi, thường gặp là các triệu chứng liên quan đến thần kinh giao cảm. Nhưng với các bệnh nhân trên 70 tuổi thì chủ yếu gặp các triệu chứng về thần kinh trung ương, tâm thần và bệnh lý tim mạch.
5 Triệu chứng cận lâm sàng của Basedow
- Hormone tuyến giáp: hormone FT3 tăng, FT4 tăng, TSH giảm (đặc hiệu, quan trọng trong chẩn đoán)
- Kháng thể kháng TSH: TRAb tăng > 1,5 UI
- Tăng các kháng thể khác: Kháng thể kháng TPO (Thyroperoxidase), Kháng thể kháng Tg (thyroglobulin), nhưng với tỷ lệ thấp hơn và không có giá trị nhiều trong chẩn đoán
- Xét nghiệm cường giáp: Chuyển hóa cơ bản tăng 20%, tăng phản xạ gân gót ngắn, giảm cholesterol máu, tăng Canxi máu
- Đo độ tập trung Iod131, xạ hình tuyến giáp: Iod131 tập trung chủ yếu ở tuyến giáp.
- Siêu âm tuyến giáp: Thùy giáp to lên, giảm âm, tăng sinh mạch máu nhiều,...
- Siêu âm tim: phì đại thất trái, tăng phân suất tống máu (EF), tăng lưu lượng tuần hoàn, suy tim
6 Biến chứng của bệnh Basedow
Tuyến giáp vừa là nhà máy sản xuất, vừa là nhà kho dự trữ một lượng lớn hormone nên các biến chứng liên quan đến bệnh Basedow khá nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
6.1 Cơn nhiễm độc giáp cấp (Cơn bão giáp)
Có thể xuất hiện sau sau khi: Phẫu thuật cắt tuyến giáp, stress nặng, chấn thương, nhiễm khuẩn cấp tính, phụ nữ có thai bị Basedow (sợ thuốc ảnh hưởng đến thai nhi nên ngừng thuốc giữa chừng, đến khi chuyển dạ thì hormone tuyến giáp giải phóng ồ ạt vào máu).
Các triệu chứng lâm sàng bao gồm: sốt cao (40-41 độ C), mất nước nặng, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, suy tim cấp, trụy mạch, ỉa chảy, kích động, lú lẫn, hôn mê,... Những bệnh nhân gặp cơn bão giáp thường có tiên lượng xấu và khả năng tử vong cao.
6.2 Biến chứng tim mạch
Các triệu chứng lâm sàng bao gồm: loạn nhịp tim, rung nhĩ, ngoại tâm thu, nhịp tim tăng cao, có suy tim trái hoặc suy tim toàn bộ. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Basedow gặp biến chứng tim mạch là hơn 90%.
6.3 Biến chứng lồi mắt ác tính
Một số bệnh nhân mắc Basedow có thể bị đẩy lồi nhãn cầu ra khỏi hố mắt, không đóng kín được mắt gây loét giác mạc, mù,... Biến chứng lồi mắt ác tính diễn biến khá nhanh và khó kiểm soát.
6.4 Các biến chứng khác
Các biến chứng khác của bệnh Basedow bao gồm: sảy thai, sinh non, thai nhi kém phát triển, loãng xương, gãy xương, suy kiệt, kích động, hôn mê,...
7 Chẩn đoán xác định bệnh Basedow
Bệnh Basedow kèm theo nhiều triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng, nên việc chẩn đoán không quá khó khản. Để chẩn đoán một bệnh nhân mắc Basedow, có thể dựa vào một số các yếu tố sau:
- Lâm sàng có các triệu chứng cường giáp
- Có nhiều hơn 1 trong 3 triệu chứng đặc hiệu: lồi mắt, bướu mạch, phù niêm
- Xét nghiệm: TSH rất thấp, FT3 và FT4 có thể tăng. TRAb tăng
- Xạ hình: Tuyến giáp to lan tỏa, tăng bắt Iod phóng xạ
Vì các triệu chứng của Basedow khá đa dạng nên cần chú ý để chẩn đoán phân biệt với bệnh cường giáp do bướu đa (hoặc đơn) nhân độc tuyến giáp, bệnh nhiễm độc giáp ở bệnh nhân có viêm truyến giáp bán cấp, bệnh đái tháo đường,...
8 Điều trị bệnh Basedow như thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh Basedow, nhưng đều hướng đến 3 mục tiêu điều trị sau:
- Giải quyết tình trạng nhiễm độc giáp
- Điều trị bệnh lý mắt (nếu có)
- Làm giảm chèn ép (nếu có bướu cổ to)
Trong quá trình điều trị bênh Basedow cần lưu ý: tránh sờ nắn nhiều, nếu phẫu thuật thì cần hết sức thận trọng, tránh stress và nên sử dụng biện pháp tránh thai.
Có 3 phương pháp để điều trị Basedow và trong từng trường hợp cần lựa chọn đúng phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân.
8.1 Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp phổ biến nhất tại Việt Nam, được chỉ định cho nhóm bệnh nhân mới mắc Basedow, chưa có biến chứng, tuyến giáp không to nhiều, bênh nhân trẻ hoặc trung niên và có điều kiện tái khám thường xuyên. .
Biện pháp chung: Nghỉ ngơi, tránh stress, tăng dinh dưỡng, tránh các loại thức ăn có nhiều iod.
Dùng thuốc:
- Sử dụng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp (nhóm Thiouracilm, nhóm Imidazol) trong vòng 12-24 tháng. Các thuốc kháng giáp trạng được điều trị theo 2 giai đoạn, đó là giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì. Các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng bắt đầu cải thiện rõ rệt sau khoảng 2-4 tuần điều trị.
- Sử dụng Iod vô cơ trong thời gian 15 ngày. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp chuẩn bị phẫu thuật hoặc có cơn cường giáp cấp.
- Các thuốc khác: Trong thời gian đầu điều trị, có thể sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân. Các nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm: thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc an thần,...
8.2 Điều trị ngoại khoa
Đối với bệnh Basedow điều trị ngoại khoa là phương pháp được chỉ định cho:
- Những bệnh nhân không đáp ứng hoặc gặp các tác dụng phụ, biến chứng khi điều trị nội khoa
- Bướu giáp quá to, có nhân gây chèn ép hoặc nghi ngờ ung thư
- Có bướu giáp kèm theo cường cận giáp
- Bệnh nhân không muốn điều trị kéo dài
- Bệnh nhân nữ, trẻ tuổi muốn hoặc áp lực phải có con sớm
Lưu ý không sử dụng phương pháp điều trị ngoại khoa đối với bệnh nhân Basedow có suy tim.
Trước phẫu thuật cần sử dụng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp (ít nhất 6 tuần trước mổ) để chức năng tuyến giáp trở về bình thường, sử dụng thuốc chẹn beta để chống loạn nhịp tim, sử dụng lugol (trước mổ 2 tuần) để tránh chảy máu nhiều khi phẫu thuật.
Có thể phẫu thuật cắt tuyến giáp bán phần hoặc cắt hoàn toàn, hoặc phẫu thuật lấy nhân giáp trong bướu giáp độc hoặc bướu giáp đa nhân.
Nhược điểm của điều trị ngoại khoa là bệnh nhân có thể bị suy giáp, cường giáp, gặp cơn bão giáp, cắt nhầm tuyến cận giáp (gây hạ canxi máu), cắt nhầm dây thần kinh (dây thanh quản, dây quặt ngược).
8.3 Điều trị bằng đồng vị phóng xạ Iod131
Phương pháp điều trị Basedow bằng Iod131 được chỉ định trong trường hợp:
- Điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa thất bại
- Bệnh nhân gặp các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thuốc
- Bệnh nhân lớn tuổi, có suy tim hoặc chống chỉ định phẫu thuật
- Bệnh nhân đang trong giai đoạn cường giáp
Chống chỉ định điều trị Basedow bằng Iod131 trong các trường hợp:
- Phụ nữ có thai và cho con bú
- Phụ nữ dưới 30 tuổi, có mong muốn hoặc dự định có thai
- Nghi ngờ ung thư tuyến giáp
- Có biến chứng mắt nặng (lồi mắt)
Tác dụng phụ của phương pháp đồng vị phóng xạ Iod131 bao gồm: suy giáp vĩnh viễn, (do không biết liều lượng đủ cho bệnh nhân), gây ra cơn cường giáp cấp, biến chứng mắt nặng, gây ung thư tuyến giáp.
8.4 Điều trị biến chứng của Basedow
Các phương pháp điều trị biến chứng của bệnh Basedow bao gồm:
- Lồi mắt: Nhỏ nước muối, sử dụng corticoid, phẫu thuật thẩm mỹ (sử dụng khi bệnh nhân ổn định sức khỏe ít nhất 6 tháng)
- Cơn cường giáp cấp: Sử dụng thuôc kháng giáp trạng tổng hợp, Iod vô cơ, thuốc chẹn beta giao cảm, corticoid, bù nước, hạ sốt, an thần.
- Biến chứng suy tim: Sử dụng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc điều trị suy tim.
9 Giải đáp các thắc mắc về bệnh Basedow
Bệnh Basedow khá hiếm gặp nhưng các triệu chứng lại rầm rộ và đa dạng nên có thể khiến bệnh nhân hoang mang, lo lắng. Đôi khi, sự thiếu hiểu biết về tình trạng bệnh có thể dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.
9.1 Bệnh Basedow có nguy hiểm không?
Bệnh Basedow đặc trưng bởi các triệu chứng của tình trạng cường giáp từ nhẹ đến nặng. Một số người có thể không nhận ra mình đang mắc bệnh Basedow trong nhiều năm. Hơn nữa các triệu chứng quá đa dạng nên nhiều người nhầm lẫn hoặc được chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
Mặc dù các triệu chứng có thể gây khó chịu nhưng nhìn chung bệnh Basedow không gây hậu quả xấu hoặc kéo dài đối với sức khỏe nếu bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời và đúng cách.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị, một số trường hợp có thể tiến triển các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm độc giáp nặng, suy tim, đột quỵ và gây tử vong. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân nữ mắc Basedow khi mang thai thì nguy cơ sảy thai, sinh non và thai nhi kém phát triển là rất cao. [3]
9.2 Bệnh Basedow có chữa khỏi được không?
Câu trả lời cho thắc mắc bệnh Basedow có chữa khỏi được không, còn tùy thuộc vào định nghĩa về 'chữa khỏi bệnh' trong trường hợp này. Nếu coi việc "chữa khỏi" là không còn lượng hormone tuyến giáp dư thừa trong máu thì bệnh Basedow có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật hoặc sử dụng đồng vị phóng xạ Iot131. [4]
Còn nếu định nghĩa "chữa khỏi" là duy trì trạng thái bình thường của tuyến giáp và không cần dùng thuốc thì trong một số trường hợp có thể nói người bệnh vẫn chưa được khỏi hoàn toàn. Đối với việc điều trị dứt điểm bằng phương pháp phẫu thuật hoặc sử dụng Iot131 thì kết quả cuối cùng là suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém). Khi bị suy giáp, bạn sẽ cần uống một viên hormone tuyến giáp mỗi ngày một lần với liều lượng phù hợp. [5]
Theo Bộ Y Tế thì khi được điều trị, bệnh có thể khỏi hoàn toàn, song cũng có thể tái phát hoặc tiến triển suy giáp do tai biến điều trị.
9.3 Bệnh Basedow sống được bao lâu?
Trong 1 nghiên cứu trên 1186 bệnh nhân Basedow, tỷ lệ bệnh thuyên giảm sau điều trị với thuốc kháng giáp trạng là khoảng 45,3%, với liệu pháp Iot131 là 81,5% và với phẫu thuật là 96,3%. Trong đó, những bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng có thể bị tái lại hoặc phải tiếp tục điều trị bằng một phương pháp khác.
Người mắc bệnh Basedow có thể được chữa khỏi và có thể sống lâu như những người khác nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp, bệnh Basedow có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân gặp biến chứng là cơn bão giáp thì tiên lượng thường xấu và khả năng tử vong cao.
9.4 Bệnh Basedow nên ăn gì?
Các loại thực phẩm hàng ngày không thể chữa khỏi bệnh Basedow nhưng chúng có thể cung cấp các chất chống oxy hóa và dinh dưỡng giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có một số thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh Basedow.
- Thực phẩm nên ăn
Nên ăn các thực phẩm giàu canxi (các loại cá, bông cải xanh, đậu bắp,...), thực phẩm giàu Vitamin D (các loại cá, nấm,...), thực phẩm giàu Magie (bơ, socola, hạt điều,...), thực phẩm giàu selen (nấm, gạp lức,...)
- Thực phẩm nên tránh
Người mắc bệnh Basedow cần hạn chế các thực phẩm có chứa gluten (lúa mì, men bia,...), thực phẩm giàu iốt, thịt hoặc nội tạng động vật.
Tuyến giáp sử dụng iốt để hoạt động và tạo ra các hormone tuyến giáp. Vì vậy, bệnh nhân Basedow cần thận trọng khi sử dung các thực phẩm có iốt. Ăn các thực phẩm có lượng iốt lớn như tảo, rong biển, cá tuyết, muối iốt, một số sản phẩm từ sữa,... có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng cường giáp. [6]
9.5 Sau phẫu thuật tuyến giáp điều trị bệnh Basedow cần làm gì?
Việc kiêng gì hoặc bổ sung gì sau phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh Basedow phụ thuộc vào kết quả của cuộc phẫu thuật. Nếu một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp được loại bỏ thành công, người bệnh có thể cần bổ sung canxi và/hoặc vitamin D trong một khoảng thời gian sau khi phẫu thuật. Người bệnh có thể được chỉ định ngừng một số loại thuốc điều trị Basedow, giảm liều thuốc chẹn beta,... và bắt đầu dùng hormone thay thế tuyến giáp ngay sau khi phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân, cần lưu ý một số điều sau khi phẫu thuật tuyến giáp điều trị Basedow [7]:
- Đa phần mọi người sẽ bị đau họng trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật. Khi đó, người bệnh có thể điều chỉnh chế độ ăn uống của mình thành những món ăn dễ nuốt như cháo, súp,...
- Các cơ phía sau cổ có thể bị cứng và/hoặc đau sau khi phẫu thuật. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giãn cơ nhẹ theo toa của bác sĩ và thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Naproxen) để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Nên nghỉ ngơi nhiều và tránh vận động để cơ thể có thời gian phục hồi.
- Vài ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể nhận thấy một số triệu chứng nhẹ của cường giáp nếu có hormone dư thừa được tiết ra trong quá trình phẫu thuật. Nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng giảm bớt khi cơ thể sử dụng hết lượng hormone dư thừa đó.
>>> Xem thêm: Ung Thư Tuyến Giáp: Sự Tăng Sinh Bất Thường Các Tế Bào Tuyến Giáp
Bạn đọc có thể tham khảo thêm Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Basedow theo ETA 2018 dưới đây:
Tài liệu tham khảo
- ^ BS Nguyễn Quang Bảy. Bài giảng Chẩn đoán và điều trị Basedow, BS Nguyễn Quang Bảy. Ngày truy cập: Ngày 18 tháng 05 năm 2023
- ^ Bộ Y tế (Ngày đăng: Ngày 08 tháng 07 năm 2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh nội tiết - chuyển hóa 2015, Cục Quản lý khám chữa bệnh.Ngày truy cập: Ngày 18 tháng 05 năm 2023
- ^ Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 07 năm 2022). Graves' disease, Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 05 năm 2023
- ^ Wilmar M. Wiersinga (Ngày đăng: Ngày 21 tháng 03 năm 2019). Graves' Disease: Can It Be Cured?, Pubmed. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 05 năm 2023
- ^ American Thyroid Association. Graves’ Disease, Thyroid. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 05 năm 2023
- ^ Leonard Wartofsky (Ngày đăng: Tháng 11 năm 2021). Graves’ Disease, NIDDK. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 05 năm 2023
- ^ American Thyroid Association. Surgical Management of Graves’ Disease, Thyroid. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 05 năm 2023