Bệnh ấu trùng sán nhái: triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Ở nước ta, trước đây khu vực miền Bắc có khá nhiều người bị nhiễm sán nhái gây ra các bướu sán ở mắt. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh nhiễm ấu trùng sán nhai qua bài viết sau.
1 Bệnh ấu trùng sán nhái là gì?
Bệnh nhiễm ấu trùng sán nhái là bệnh do kí sinh trùng gây ra với tên khoa học là bệnh Sparganosis.
Nguyên nhân gây bệnh là các ấu trùng của loài Spirometra xâm nhập vào cơ thể người khi chúng ta ăn hoặc tiếp xúc vết thương hở với các loại kí chủ của sán nhái như ếch, nhái,... [1]
Trên thế giới, bệnh ấu trùng sán nhái ở người khá hiếm gặp, Hầu hết các cơ bệnh đều tập trung ở vùng châu Á và Bắc Mỹ.
Ở nước ta, trước đây khu vực miền Bắc có khá nhiều người bị nhiễm sán nhái gây ra các bướu sán ở mắt. Tuy nhiên, hiện nay cũng ít người mắc bệnh này.
Các loại ấu trùng sán nhái có hình dạng giống một dải băng màu trắng với kích thước là 3mm x 300mm. Ký chủ chính của sán trưởng thành là chó và mèo, chúng có thể sống trong ruột non của kí chủ tới 9 năm.
2 Con đường lây nhiễm bệnh sán nhái
2.1 Các nguồn lây bệnh sái nhái
Con người thường bị nhiễm ấu trùng sán nhái do:
Uống nguồn nước có các Cyclops sp. chứa ấu trùng sán nhái.
Ăn thịt các loại động vật mà ấu trùng sán kí sinh như ếch, nhái,... khi chưa nấu chín.
Đắp thịt ếch lên mắt hoặc vết thương hở trên da.
Người chỉ là vật chủ tình cờ trong vòng đời của sán nhái. Sau khi ấu trùng sán xâm nhập qua miệng sẽ chui qua vách ruột, di chuyển ra phía ngoài da và gây bệnh. Tuy nhiên, chúng không có khả năng phát triển thành sán lá trưởng thành và lan truyền bệnh khi kí sinh trên người.
2.2 Vòng đời của sán nhái
Trong ruột của ký chỉ, các sán trưởng thành đẻ trứng. Trứng sán theo phân ra ngoài. Trong môi trường nước, các trứng này nở ra ấu trùng có lông tơ và bị loăng quăng đỏ Cyclops sp. nuốt và biến thành plerocercoid. Nòng nọc ăn loăng quăng đỏ, các plerocercoid này xuyên qua thành ruột đến các cơ biến thành ấu trùng sán nhái với kích thước dài khoảng 3cm. Khi bị các kí chủ trung gian khác nuốt chúng cũng chỉ tồn tại ở dạng này.
Khi chó, mèo ăn phải các loại ếch, nhái này, ấu trùng sán nhái sẽ đi vào ruột non của chúng và phát triển thành ấu trùng trưởng thành. Vòng đời của sán nhái lại lặp lại.
3 Triệu chứng khi nhiễm ấu trùng sán nhái
ấu trùng sán nhái thường gây ra các bệnh ở mắt mà mô liên kết dưới da.
Bệnh ở mắt thường là do người dân sử dụng thịt ếch đắp lên mắt để chữa đau mắt theo phương thức dân gian lưu truyền. Nếu thịt ếch có ấu trùng lông của sán nhái kí sinh, sau khi đắp 10 ngày, bệnh nhân sẽ thấy khó chịu ở mắt, đau nhức và giảm dần thị lực. Một số biểu hiện nặng hơn là lồi mắt, viêm loét giác mạc, viêm dây thần kinh thị giác,... mà nếu không chữa trị kịp thời có thể gây mù mắt.
Bệnh ở các mô liên kết thường là do con người ăn các vật chủ trung gian hay uống nước chứa ấu trùng sán nhái. Chúng đi vào đường tiêu hóa đến ruột, chui qua vách ruột, di chuyển dần ra ngoài các vùng mô dưới da, cơ ngực bụng, đùi. Triệu chứng thường thấy ở các vùng này là đau, ngứa và có thể có các ổ áp xe.
Ngoài ra, ấu trùng sán nhái cũng có thể gây bệnh ở não, phổi, bàng quang,...
4 Chẩn đoán bệnh nhiễm ấu trùng sán nhái
4.1 Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ nên tìm hiểu tiền sử ăn uống của bệnh nhân xem có ăn đồ ăn tươi sống hoặc đắp thịt ếch lên mắt của người bệnh.
Thông thường nhiễm ấu trùng sán nhái sẽ dựa vào tiền sử là chủ yếu.
4.2 Chấn đoán cận lâm sàng
Dựa vào hình ảnh lâm sàng: chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ.
Tìm thấy ấu trùng sán nhái ở vùng tổn thương.
Trường hợp bị bệnh ấu trùng sán nhái ở não cần chẩn đoán bằng xét nghiệm ELISA dịch não tủy hoặc huyết thanh (thường thực hiện sau phẫu thuật).
5 Điều trị bệnh ấu trùng sán nhái
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là rạch và gắp ấu trùng sán nhái ra. Tuy nhiên, thao tác này cần được thực hiện nhanh, khéo léo (đặc biệt là vùng mắt) để tránh tổn thương các phần xung quanh và ấu trùng di chuyển đi chỗ khác.
Có thể sử dụng Praziquantel liều 60-75mg/kg trong 2 ngày để điều trị, nhưng cách này cho kết quả rất hạn chế.
Đối với ấu trùng sán nhái ở não cần điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ các ký sinh trùng. Praziquantel không có tác dụng trên kí sinh trùn trong hệ thống thần kinh trung ương. [2]
6 Dự phòng bệnh nhiễm ấu trùng sán nhái
Tại các vùng có lưu hành dịch bệnh, cán bộ nhân viên y tế cần tuyên truyền và khuyến cáo cho người dân về sự nguy hiểm của việc uống nước từ ao, hồ hay ăn thịt các loại động vật mà chưa nấu chín kĩ. Yêu cầu tất cả người dân ăn chín uống sôi.
Giải thích để người dân hiểu và không sử dụng các phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học như đắp thịt ếch lên mắt.
Rửa tay sạch sẽ.
Giữ đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh.
Đối với gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý, không nên cho trẻ nghịch nguồn nước từ ao hồ.
Tài liệu tham khảo
- ^ CDC (Ngày đăng 30 tháng 12 năm 2017). Sparganosis, CDC. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Chelsea Marie (Ngày đăng tháng 12 năm 2021). Sparganosis, MSD Manuals. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021