1. Trang chủ
  2. Thông Tin Y Học
  3. Bạo lực học đường - Vết cắt ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của trẻ

Bạo lực học đường - Vết cắt ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của trẻ

Bạo lực học đường - Vết cắt ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của trẻ

Trường học là môi trường để trẻ em học tập và vui chơi một cách lành mạnh. Nhưng đối với quá nhiều trẻ em trên toàn thế giới, trường học là nơi các em phải trải qua bạo lực. Bắt nạt, quấy rối, lăng mạ bằng lời nói, lạm dụng và bóc lột tình dục, trừng phạt thân thể và các hình thức sỉ nhục khác có thể đến từ bạn bè, giáo viên hoặc thậm chí là ban giám hiệu nhà trường. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về tình trạng bạo lực học đường ảnh hưởnh như thế nào đến sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ. 

1 Tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam

Trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng rất dễ bị tổn hại sức khỏe tâm sinh lý và thể chất. Thống kê cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 8% - 29% thanh thiếu niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, nam có tỷ lệ rối loạn hành vi cao hơn và nữ có tỷ lệ mắc các vấn đề về cảm xúc như lo âu và trầm cảm cao hơn. Và bắt nạt hoặc các yếu tố gây căng thẳng xã hội khác đã được chứng minh là có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần ở học sinh vị thành niên ở Việt Nam.

1.1 Học sinh bị bạo lực học đường như thế nào?

Tình trạng bạo lực học đường trở thành vấn đề khá nhức nhối ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sức khỏe của các em. Một học sinh cho biết: “Chúng em đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, vì vậy ngay cả một vấn đề nhỏ hoặc hiểu lầm giữa bạn bè với nhau cũng có thể gây rạn nứt tình bạn. Cần rất nhiều thời gian hoặc cố gắng để kết nối lại các bạn với nhau. Đôi khi nước mắt có thể xuất hiện.” Khi xung đột giữa bạn bè xảy ra, chúng có tác động tiêu cực đến quá trình rèn luyện của học sinh ở trường. Như một học sinh ở Hà Nội chia sẻ: “Có một số bạn thường xuyên mâu thuẫn với nhau. Nó làm cho lớp học mất đoàn kết và khiến chúng em, những người không tham gia vào nó, cảm thấy lo lắng và căng thẳng.” Một số giáo viên cũng cho biết, mâu thuẫn với bạn bè có thể khiến các em tự tách ra hoặc bị cô lập khỏi tập thể. 

Nhiều em đã từng bị cô lập khi đi học
Nhiều em đã từng bị cô lập khi đi học

Mặc dù tình trạng đánh nhau ít khi xảy ra ở trường học nhưng bắt nạt và cô lập lại xảy ra thường xuyên hơn và ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc của các em. Các em học sinh đã chia sẻ nhiều ví dụ về hành vi bắt nạt của các bạn cùng trang lứa. Một học sinh nói rằng một bạn cùng lớp đã bị “tẩy chay và bỏ rơi bởi mọi người trong lớp” trong vài tháng. Một học sinh khác ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện bản thân: “Năm lớp 6, em bị mọi người nói xấu sau lưng. Họ cho rằng mẹ tặng quà cho cô giáo nên cô mới ưu ái em, rằng bố mẹ em đã hối lộ.”

Nguyên nhân dẫn đến bắt nạt và tẩy chay thường liên quan đến vẻ ngoài của học sinh. Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ bắt nạt ở trường trung học cơ sở cao hơn so với trường trung học. Học sinh thường bị trêu chọc vì “béo” hoặc “lùn” và các em gái là đối tượng thường bị nhắm đến nhất. Một học sinh đã mô tả về những cảm nhận của em: “Các bạn trêu chọc em cho đến khi em cảm thấy nản lòng hoặc khóc. Rồi sau đó cảm thấy bất lực và bế tắc. Em không biết làm sao để giải quyết hay thoát khỏi nó.”

Tại Việt Nam, những năm gần đây liên tục xuất hiện nhiều vụ bạo lực học đường, thậm chí có những nạn nhân đã lựa chọn cái chết để giải thoát cho chính mình. Mới đây, vào ngày 16/04/2023, một em nữ sinh trường THPT chuyên ĐH Vinh, Nghệ An đã qua đời và nguyên nhân ban đầu được cho là em này đã tự tử. Một người tự nhận là người thân của nữ sinh này, đã chia sẻ trên tài khoản Facebook rằng em là nạn nhân của bạo lực học đường. Cụ thể, người này chia sẻ rằng, trước kia nữ sinh này vẫn rất ngoan ngoãn và luôn đứng trong top đầu về thanh tích học tập, nhưng thời gian gần đây, em luôn bảo với mẹ rằng "con sợ đi học, con sợ đến trường", khi tìm hiểu thì biết được ở trường, em bị đánh đập, ngược đãi, lăng mạ. Mặc dù các thông tin vẫn chưa được xác minh, nhưng cái chết của em chính là lời cảnh báo với xã hội về hậu quả và sự nghiêm trọng của bạo lực học đường. [1] 

Bạo lực học đường tại Việt Nam đang là một vấn đề nóng
Bạo lực học đường tại Việt Nam đang là một vấn đề nóng

Bên cạnh đó, bắt nạt trên mạng cũng là một vấn đề nhức nhối trong môi trường học đường. Hiện nay, nhiều học sinh đã được tiếp xúc với internet và mạng xã hội từ rất sớm và nhiều học sinh cho biết đã chứng kiến cả bạn bè và người lạ bị bắt nạt trên mạng. Theo thống kê cho thấy, khoảng 47,3% học sinh chưa bao giờ bị bắt nạt trên mạng, khoảng 30% học sinh chỉ “hiếm khi” bị bắt nạt trên mạng, 20,2% báo cáo “thỉnh thoảng” và 2,1% “thường xuyên” bị bắt nạt trên mạng. Học sinh khối trung học phổ thông có nhiều khả năng bị bắt nạt trên mạng hơn so với khối trung học cơ sở. Nhiều học sinh đã lập các nhóm trên mạng để tụ tập bôi nhọ, lăng mạ hoặc xúc phạm một học sinh khác. Và tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến tâm lý của cả học sinh bị bạo lực và người thực hiện các hành động bạo lực. [2]

1.2 Các giáo viên đã làm gì để ngăn chặn vấn đề này?

Về vấn đề bắt nạt trong học đường, một số giáo viên nói rằng tình trạng này khá hiếm gặp, nhưng những giáo viên khác lại cho biết đó là chuyện thường xuyên xảy ra. 

Các giáo viên đã cố gắng khuyên răn và ngăn chặn hành vi bắt nạt để các em học sinh hàn gắn lại với nhau. Tuy nhiên, nhiều học sinh cho biết, các em không cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với giáo viên về vấn đề bị bắt nạt và không có sự hỗ trợ rõ ràng nào từ phía nhà trường để giải quyết hoặc hỗ trợ nạn nhân. 

Học sinh bị bắt nạt thường không chia sẻ với giáo viên
Học sinh bị bắt nạt thường không chia sẻ với giáo viên

Một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện về xung đột giữa bạn bè trong một lớp học liên quan đến bắt nạt. Cô tin rằng giáo viên và phụ huynh đã can thiệp thành công để giải quyết vấn đề. Cô cho biết những trải nghiệm như vậy là bình thường trong thời thơ ấu và các em thường học hỏi và trưởng thành từ những trải nghiệm này: “Tính cách khác nhau, bọn trẻ không thân thiết và nói xấu nhau. Đó là vấn đề rất dễ xảy ra và dễ hiểu đối với trẻ em. Rồi sau này điều đó sẽ trở thành những bài học vô cùng bổ ích cho các em. Các em phải học cách sống hòa nhập với tập thể và phải biết cách để dung hòa sự khác biệt của người khác.”

Trên toàn cầu, một nửa số học sinh trong độ tuổi 13–15 (khoảng 150 triệu học sinh) cho biết đã từng bị bạo lực do bạn bè đồng trang lứa trong và xung quanh trường học. Cứ 3 em học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 15 thì sẽ có 1 em từng bị bắt nạt, và tỷ lệ tương tự các em tham gia vào các vụ đánh nhau. [3]

2 Bạo lực học đường tác động đến tâm sinh lý và sức khỏe của trẻ như thế nào?

Bạo lực học đường đôi khi chỉ là những lời nói xúc phạm nhưng nó cũng có thể là sự đe dọa, đánh đập, xâm phạm. Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm sinh lý và sức khỏe của người bị bạo lực học đường. 

2.1 Tác động về thể chất của bạo lực học đường

Bạo lực về thể chất thường liên quan đến mâu thuẫn giữa các học sinh hoặc hình phạt của giáo viên. 

Các mâu thuẫn không thể hòa giải hoặc tình trạng bắt nạt có thể dẫn đến hành vi xô ngã, làm tổn thương hoặc các vụ ẩu đả, đánh đập, thậm chí là sử dụng vũ khí. Thương tích về thể chất sau những hành động đó thường rất nghiêm trọng. 

Về nguyên nhân giáo viên bạo hành học sinh thì theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc về Bạo lực đối với Trẻ em đã lưu ý rằng, các giáo viên thuộc thức bậc cao hơn có thể có nhiều khả năng lăng mạ bằng lời nói, đánh đập hoặc làm nhục học sinh, đối tượng thuộc thứ bậc thấp hơn. Về phương diện này, tỷ lệ các học sinh nam bị trừng phạt về thể chất cao hơn các học sinh nữ. 

Tác động vật lý rõ ràng nhất bao gồm các vết thương từ nhẹ đến nghiêm trọng, vết bầm tím, gãy xương, thậm chí là tử vong hoặc tự sát. [4]

Mâu thuẫn giữa các học sinh có thể dẫn đến xô xát
Mâu thuẫn giữa các học sinh có thể dẫn đến xô xát

Trẻ em bị bạo hành có thể bị tổn thương về thể chất, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trầm cảm, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và có ý định tự tử. Đôi khi, sự bất lực và bế tắc có thể khiến các em thực hiện các hành vi nguy hiểm, hung hăng và chống đối xã hội. Hơn nữa, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực có khả năng lặp lại những hành vi đó lên người khác.

Ngoài ra, môi trường tiêu cực liên quan đến bạo lực học đường có thể khiến các em dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như hút thuốc, uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích. 

>>> Xem thêm: Nguyên Nhân Xuất Hiện Vết Máu Bầm Và Thuốc Tan Máu Bầm Hiệu Quả

2.2 Tác động về tâm sinh lý của bạo lực học đường

Bạo lực học đường bao gồm cả những lời nói xúc phạm, lăng mạ ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý của nạn nhân. Trong khi đó, các nạn nhân của bạo lực học đường lại trở nên thụ động và lo sợ trong việc bày tỏ ý kiến hay chia sẻ với người khác. Bạo lực học đường có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm hoặc các rối loạn về tâm sinh lý nghiêm trọng. 

Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ bị bắt nạt hoặc trừng phạt ít có khả năng tiếp thu các giá trị đạo đức hơn những đứa trẻ khác và ít có khả năng chống lại sự cám dỗ và trở nên chai sạn về cảm xúc. Ngoài ra, nạn nhân có xu hướng phát triển những hành vi bạo lực như gây rối, hung hăng hoặc đánh đập người khác và thậm chí là con cái họ. 

Trẻ em từng trải qua bạo lực học đường (chẳng hạn như bị đánh, xâm phạm hoặc cô lập) có thể mắc các chứng bệnh rối loạn tâm lý. Những đứa trẻ này có thể gặp khó khăn trong việc chia sẻ hoặc thể hiện cảm xúc với người khác, có thể trở nên nhạy cảm quá mức. 

Về mặt hành vi, những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường thường có những hành vi bộc phát và khó đoán. Rất khó để an ủi chúng và đôi khi lời an ủi có thể gây ra cơn thịnh nộ hoặc hành vi tự gây thương tích. 

Ngoài ra, hành vi bạo lực do giáo viên hoặc học sinh khác gây ra có thể khiến nạn nhân sợ hãi khi đến trường và cản trở khả năng tập trung hoặc tiếp thu trong lớp. Hậu quả bao gồm trốn học, không tham gia và các hoạt động ở trường hoặc bỏ học hoàn toàn. [5]

3 Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường?

Tất cả học sinh đều có quyền học tập trong một môi trường học đường an toàn. Vì thế, ngăn chặn bạo lực học đường và áp dụng các cách khắc phục tệ nạn học đường là rất quan trọng. Khi đó, nỗ lực của giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh, học sinh, thậm chí cả cộng động có thể giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện môi trường học đường. 

Sau đây là những điều mà cha mẹ nên làm để giảm thiểu nguy cơ và hậu quả của bạo lực học đường đối với trẻ nhỏ:

  • Cha mẹ nên nói chuyện và chia sẻ với con cái nhiều hơn. 

Cha mẹ cần hỏi han và thảo luận với con cái về việc học và các vấn đề xung quanh môi trường học đường như bạn học, giáo viên, bài tập, những vấn đề mâu thuẫn hoặc khó khăn của con. Hãy đặt những câu hỏi mở như “con nghĩ sao?” để cho con bạn thấy rằng mình đang lắng nghe và thực sự muốn hiểu thêm về quan điểm hay ý tưởng của con với một vấn đề nào đó. 

Cha mẹ cần chủ động hoặc chia sẻ với con về các vấn đề ở trường
Cha mẹ cần chủ động hoặc chia sẻ với con về các vấn đề ở trường

Để con có cái nhìn đúng đắn hơn về bạo lực học đường, cha mẹ hãy chủ động đề cập và thảo luận với con về vấn đề này. Chẳng hạn như định hướng cho con có những quan điểm rõ ràng về bạo lực, mâu thuẫn, cách giải quyết mâu thuẫn, các tệ nạn xã hội - ngay cả khi những chủ đề đó có hơi tế nhị một chút. Đừng đợi đến khi con cái hỏi bạn, vì khi đó sự việc đã xảy ra hoặc chúng bắt đầu có những cái nhìn sai lệch về vấn đề. 

  • Cha mẹ nên đặt ra các quy tắc và giới hạn rõ ràng cho con

Trẻ nhỏ cần có các quy tắc và giới hạn được xác định rõ ràng để chúng biết được đâu là việc không nên làm và hậu quả của hành động đó. Điều này có thể ngăn chặn các hành vi bạo lực hoặc bắt nạt xảy ra trong môi trường học đường.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các quy tắc cần phải công bằng và linh hoạt. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tuân thủ các quy tắc đó. Chẳng hạn như việc tuân thủ các quy tắc và quy định, có trách nhiệm, đồng cảm với người khác, kiểm soát sự tức giận và quản lý cảm xúc. 

  • Chú ý đến các dấu hiệu bất thường của con

Biết đâu là hành vi bình thường và bất thường của con có thể giúp cha mẹ nhận ra vấn đề rắc rối và con đang phải trải qua. 

Những thay đổi này có thể bao gồm: tự tách mình khỏi đám đông, không tham gia cùng bạn bè, điểm số sa sút, đột ngột bỏ các môn thể thao hoặc một lĩnh vực yêu thích, giấc ngủ bị gián đoạn, chán ăn, nói dối hoặc gặp các vấn đề về thể chất. 

Khi đó, việc can thiệp của cha mẹ là cần thiết để giảm thiểu hậu quả. Cha mẹ có thể kết hợp với nhà trường để giải quyết vấn đề của con tốt hơn.

Tóm lại, bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng để tâm sinh lý và sức khỏe của trẻ trong độ tuổi đi học. Để trẻ em được sống trong môi trường học đường một cách vui vẻ, lành mạnh thì cha mẹ, nhà trường và cả cộng đồng cần chung tay ngăn chặn bạo lực học đường. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Zing News (Ngày đăng: Ngày 17 tháng 04 năm 2023).  Nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường, Zing News. Ngày truy cập: Ngày 18 tháng 04 năm 2023
  2. ^  UNICEF Việt Nam. COMPREHENSIVE STUDY ON SCHOOL-RELATED FACTORS IMPACTING MENTAL HEALTH AND WELL-BEING OF ADOLESCENT BOYS AND GIRLS IN VIET NAM, UNICEF. Ngày truy cập: Ngày 16 tháng 04 năm 2023.
  3. ^  UNICEF (Ngày đăng: Ngày 27 tháng 08 năm 2021). Protecting children from violence in school, UNICEF. Ngày truy cập: Ngày 16 tháng 04 năm 2023.
  4. ^  Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: Năm 2016). Understanding School Violence, CDC. Ngày truy cập: Ngày 16 tháng 04 năm 2023.
  5. ^  Pietro Ferrara, Giulia Franceschini, [...] (Ngày đăng: Tháng 12 năm 2019). Physical, psychological and social impact of school violence on children, Research Gate. Ngày truy cập: Ngày 16 tháng 04 năm 2023.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633