1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Dị ứng kháng sinh: cơ chế, biểu hiện, điều trị và cách phòng ngừa

Dị ứng kháng sinh: cơ chế, biểu hiện, điều trị và cách phòng ngừa

Dị ứng kháng sinh: cơ chế, biểu hiện, điều trị và cách phòng ngừa

Trungtamthuoc.com- Kháng sinh là một trong những loại thuốc phổ biến nhất hiện nay. Với tốc độ sử dụng kháng sinh ngày càng tăng, các trường hợp dị ứng kháng sinh cũng ngày càng gia tăng. Dị ứng kháng sinh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về vấn đề dị ứng kháng sinh.

1 Kháng sinh là gì?

Kháng sinh là những chất có khả năng kháng lại hoặc tiêu diệt vi khuẩn nhằm ức chế sự phát triển và nhân lên của chúng. Đây là loại thuốc được tổng hợp hoặc bán tổng hợp từ các chủng vi sinh vật và nấm. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau và chúng thường được sử dụng dựa trên vi khuẩn gây bệnh cụ thể và triệu chứng của bệnh nhân.  

2 Dị ứng kháng sinh là gì?

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với kháng sinh, nó có thể dẫn đến phản ứng quá mẫn được gọi là dị ứng kháng sinh. Phản ứng này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc sau đó. Đây là một loại dị ứng có thể biểu hiện với các triệu chứng nhẹ hoặc nặng. 

Dị ứng kháng sinh có thể xảy ra với bất kỳ loại kháng sinh nào, dù là tổng hợp hay tự nhiên, như Penicillin, Cephalosporin, Tetracycline và các loại khác. Hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với kháng sinh, tạo ra kháng thể để chống lại các chất gây dị ứng. Phản ứng này dẫn đến các triệu chứng dị ứng kháng sinh.

Dị ứng kháng sinh là gì?
Dị ứng kháng sinh là gì?

3 Cơ chế dị ứng kháng sinh 

3.1 Không qua trung gian IgE

Sau khi dùng kháng sinh, chúng được hấp thụ vào hệ tiêu hóa và được chuyển hóa bởi các enzym trong cơ thể. Quá trình chuyển hóa có thể tạo ra các chất phản ứng hoặc tác nhân gây dị ứng.

Các chất phản ứng hoặc tác nhân gây dị ứng tạo ra các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên hệ miễn dịch. Chúng có thể kích thích phản ứng vi khuẩn hoặc tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, gây ra một loạt các phản ứng vi khuẩn.

Hệ miễn dịch phản ứng với các chất phản ứng hoặc tác nhân gây dị ứng. Các tế bào miễn dịch như tế bào mast, tế bào dẫn truyền và các tế bào khác phát hiện và phản ứng với chúng. Quá trình phản ứng miễn dịch gây ra các tác nhân tự giải phóng như histamine, prostaglandin và các chất gây viêm nhiễm, gây ra các triệu chứng dị ứng.

3.2 Qua trung gian kháng thể 

3.2.1 Qua trung gian IgE (loại I HSR)

Các kháng thể IgE đặc hiệu với chất gây dị ứng liên kết với tế bào mast và kích hoạt giải phóng các chất trung gian như histamine và leukotrien, cùng với các chất khác, gây giãn mạch và tăng tính thấm mao mạch 

3.2.2 Qua trung gian IgG (HSR loại II) 

Việc kháng thể liên kết với kháng nguyên bề mặt tế bào, dẫn đến độc tế bào qua trung gian tế bào phụ thuộc vào kháng thể.

Bệnh huyết thanh hoặc phản ứng giống bệnh huyết thanh (loại III HSR) 

Do sự phát triển của sự hình thành phức hợp miễn dịch lắng đọng trong mạch máu và mô, kích hoạt bổ thể giải phóng các chất trung gian gây viêm

3.2.3 Qua trung gian tế bào

Quá trình được thực hiện qua trung gian tế bào T và xảy ra khi tế bào T nhạy cảm với một kháng nguyên. Những kháng nguyên này có thể là chính thuốc hoặc chất chuyển hóa của nó. Sau đó, các sản phẩm này có thể liên kết với các protein liên kết với huyết thanh hoặc tế bào, tạo ra phân tử gây miễn dịch, phân tử này phải tuân theo con đường xử lý kháng nguyên và trình diện cho tế bào T. [1] 

4 Biểu hiện dị ứng kháng sinh

Dị ứng kháng sinh có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều người. Nó có thể biểu hiện những triệu chứng từ nhẹ đến nặng, nghiêm trọng có thể gây ra sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng con người.

4.1 Một số biểu hiện lâm sàng 

Các triệu chứng về da (phổ biến nhất): Ngứa, ban đỏ lòng bàn tay, nổi mề đay, bong tróc da

  •  Triệu chứng hô hấp: khó thở hoặc thở khò khè
  • Triệu chứng tiêu hóa: tiêu chảy 
  • Ngoài ra có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:
  • Sốt
  • Tổn thương niêm mạc
  • Tổn thương thận cấp tính
  • Sốc phản vệ.
Một số biểu hiện dị ứng kháng sinh thường gặp
Một số biểu hiện dị ứng kháng sinh thường gặp

4.2 Một số hội chứng lâm sàng về dị ứng kháng sinh

4.2.1 Sốc phản vệ 

Nếu tình trạng dị ứng kháng sinh nguy hiểm có thể dẫn đến sốc phản vệ. Đây là loại phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất và đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức. 

Triệu chứng sốc phản vệ có thể xuất hiện ngay sau khi bắt đầu sử dụng kháng sinh, thông thường trong vòng 1-2 giờ. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện sau một thời gian ngắn từ khi bắt đầu sử dụng thuốc.

Các triệu chứng của sốc phản vệ trong dị ứng kháng sinh bao gồm:

  • Cơ thể có thể có những phản ứng diễn biến nhanh như ho, ngứa, sưng hoặc phát ban lan rộng, phù mạch. đau ngực, khó thở và cảm giác áp lực trong ngực cũng có thể xảy ra.
  • Huyết áp thấp: Triệu chứng chính của sốc phản vệ là huyết áp thấp. Điều này có thể dẫn đến lưu thông máu không đủ và gây nguy hiểm đến sự sống còn.
  • Rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch [2] 

4.2.2 Mày đay 

Mày đay thường là dấu hiệu đầu tiên và thường xảy ra trong hầu hết các trường hợp dị ứng kháng sinh. Ngay sau khi sử dụng thuốc trong vài phút hoặc trong quá trình dùng thuốc hàng ngày, người bệnh có thể cảm thấy da nóng bừng và có cảm giác như bị côn trùng cắn. Sau đó, các vết phù màu hồng hoặc đỏ có đường kính vài millimet hoặc vài centimet xuất hiện, có hình dạng tròn hoặc bầu dục, và có thể xuất hiện khắp nơi trên cơ thể hoặc chỉ tập trung ở khu vực như mặt, cổ, tử chi hoặc toàn bộ người. Cảm giác ngứa là triệu chứng gây khó chịu nhất, xuất hiện sớm và thường gây mất ngủ, và việc gãi ngứa càng làm cho các vết phù tan nhanh hoặc xuất hiện các vết phù khác. Đôi khi, mày đay có thể kèm theo triệu chứng như khó thở, đau bụng, đau khớp, buồn nôn, sốt cao và chóng mặt. Mày đay thường tái phát nhanh chóng sau khi triệu chứng đã giảm đi.

4.2.3 Phù mạch dị ứng 

Phù mạch dị ứng thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc vài phút, vài giờ hoặc hàng ngày. Các triệu chứng của tình trạng này biểu hiện rõ ràng ở da và mô dưới da của bệnh nhân, xuất hiện ở những vùng da có tổ chức lỏng lẻo như cổ, bụng, háng và quanh mắt. Nếu phù mạch gần mắt, bệnh nhân có thể bị lác mắt, môi có thể sưng tấy. Màu sắc của phù mạch thường bình thường hoặc hồng nhạt, đôi khi kèm theo nổi mề đay. Trong trường hợp phù mạch xảy ra ở cổ họng hoặc thanh quản, bệnh nhân có thể bị ngạt thở. Ở ruột và dạ dày, có thể xảy ra nôn mửa, buồn nôn và đau bụng. Ở não, bệnh nhân có thể bị đau đầu, mắt lồi và cử động. Trong tử cung, phù mạch có thể gây đau bụng và chảy máu âm đạo.

4.2.4 Bệnh huyết thanh  

Bệnh huyết thanh thường do các kháng sinh sulfamid, penicillin (nhất là ampicilin) và tetracyclin.

Bệnh xuất hiện từ vài ngày đến vài tuần sau khi dùng thuốc, người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao, đau nhức, rối loạn tiêu hóa.

Nếu phát hiện kịp thời bệnh nhân phải ngưng ngay thuốc, các triệu chứng trên sẽ mất dần. 

4.2.5 Ngoại ban dạng sản (MPE) 

MPE thường xảy ra sau khi bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh trong một khoảng thời gian ngắn. Các triệu chứng của MPE có thể bao gồm:

Ngoại ban: phát ban mủ đỏ, ngứa hoặc đỏ mặt, ngứa cơ thể toàn bộ, bong vảy da, sưng mô mềm, hoặc viêm màng nhầy (như viêm phế quản, hoặc viêm mũi).

Phản ứng dị ứng cơ thể toàn thân: khó thở, ho, nôn mửa, tiêu chảy, ói mửa, buồn nôn, đau bụng hoặc sốc phản vệ.

Việc điều trị MPE thường liên quan đến ngừng sử dụng kháng sinh có liên quan và sử dụng các biện pháp chống dị ứng như antihistamines và corticosteroids để giảm triệu chứng. Việc phòng ngừa lại là yếu tố quan trọng trong điều trị MPE, đồng thời cố gắng tránh sử dụng lại kháng sinh gây ra phản ứng.

4.2.6 Hồng ban nút 

Bệnh thường do các kháng sinh penicilin, ampicilin, đặc biệt là sulfamid

Hồng ban nút hay xuất hiện sau 2 - 3 ngày dùng thuốc, với các biểu hiện như sốt cao, đau mỏi toàn thân, xuất hiện nhiều nốt to nhỏ nổi trên da.

4.2.7 Hồng ban nhiễm sắc cố định 

Các kháng sinh thường gây bệnh này là quinolon, sulfamid, penicillin, tetracyclin. Bệnh đặc trưng với hồng ban (dát đỏ), khi lành để lại dát sắc tố trên da, sẽ xuất hiện ở chính vị trí đó nếu những lần sau lại dùng thuốc đó. Bệnh xuất hiện sau vài giờ đến vài ngày sau khi dùng thuốc.

4.2.8 Ban dạng mụn mủ cấp tính (AGEP) 

Các thuốc kháng sinh (sulfonamid, terbinafin, quinolon, pristinamycin, ampicilin, amoxicilin) có thể gây AGEP.

Dấu hiệu lâm sàng quan trọng của bệnh là xuất hiện nhanh rất nhiều các mụn mủ vô khuẩn rải rác trên da, thường 3 - 5 ngày sau dùng thuốc. Người bệnh thường có sốt, tăng bạch cầu trong máu, đôi khi có tăng bạch cầu ái toan, nhưng không tổn thương niêm mạc. 

4.2.9 Dị ứng thuốc toàn thân có tăng bạch cầu ái toan (DRESS) 

Kháng sinh có thể gây ra hội chứng DRESS: sulfonamid, doxycyclin.... 

Tăng bạch cầu ái toan (DRESS) là một tình trạng hiếm gặp trong dị ứng thuốc. Nó được đặc trưng bởi sự tăng số lượng bạch cầu trong cơ thể, cùng với các triệu chứng khác như da đỏ, ngứa và phù nề. Hiện tượng này thường xảy ra trong vòng 6 tuần sau khi người bệnh bắt đầu sử dụng thuốc. Nếu không được xử lý kịp thời, dị ứng thuốc toàn thân có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm tổn thương nội tạng và suy giảm chức năng của tim, gan và thận.

4.2.10 Hồng ban đa dạng 

Bệnh lý có thể xảy ra sau 2-3 ngày dùng thuốc với các đặc trưng: nổi ban đỏ, sẩn, mụn nước, bọng nước, thưởng có ban hình bia bắn, tiến triển cấp tính

Thể cấp tính khi người bệnh sốt cao, rét run, đau lưng, đau khớp, phát ban có bọng nước tập trung thành từng đám, sau lan ra toàn thân, niêm mạc, miệng. 

4.2.11 Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) 

Thuốc có thể gây dị ứng: penicillin, cephalosporin, quinolon, minocycline

Đặc trưng của hội chứng này là loét các hốc tự nhiên (số lượng thường > 2 hốc, hay gặp ở mắt và miệng) và có nhiều dạng tổn thương da thường là bọng nước, diện tích da tổn thương < 10% diện tích da cơ thể, ngoài ra bệnh nhân bị hội chứng này sau khi dùng thuốc thường bị sốt, đau mỏi, có thể kèm theo tổn thương gan thận, thể nặng có thể gây tử vong. 

4.2.12 Hội chứng Lyell - hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc (TEN) 

Những loại thuốc như sulfonamid, penicilin, ampicilin, Streptomycin, tetracyclin có thể gây ra hội chứng lyell. Đây là một tình trạng nhiễm độc tương đối nghiêm trọng, được đặc trưng bởi dấu hiệu của việc da dễ bong ra, gây nguy hiểm đến tính mạng với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường diễn biến từ vài giờ đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. 

Đặc điểm của hội chứng này là trên da xuất hiện các vùng đỏ, đôi khi có cả chấm xuất huyết. Vài ngày sau, lớp da bị tách khỏi, dễ bong ra từng mảng. Diện tích da bị tổn thương có thể trên 30% của tổng diện tích cơ thể. Ngoài tổn thương da, bệnh có thể gây viêm gan, viêm thận và gây ra tình trạng nặng nề, có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh.

5 Xét nghiệm dị ứng kháng sinh

Xét nghiệm dị ứng kháng sinh là một bước quan trọng trong quá trình chẩn đoán dị ứng do sử dụng kháng sinh. 

5.1 Xét nghiệm phản ứng dị ứng quá mẫn nhanh

Có nhiều loại xét nghiệm in-vivo và in-vitro có thể dùng để phát hiện dị ứng kháng sinh. Xét nghiệm lẩy da và test trong da là những phương pháp in-vivo thông dụng nhưng hiệu quả chủ yếu chỉ đối với kháng sinh Beta-lactam. Đối với phương pháp in-vitro, các xét nghiệm miễn dịch enzyme huỳnh quang như Immunocap® của Phadia có sẵn, tuy nhiên độ đặc hiệu và độ nhạy của chúng thấp hơn so với xét nghiệm lẩy da. Những phương pháp này phù hợp để phát hiện Penicillin và Cephalosporin. Xét nghiệm X-quang từng được sử dụng để chẩn đoán dị ứng với Penicillin, nhưng hiện đã được thay thế bằng xét nghiệm miễn dịch enzyme huỳnh quang. Các xét nghiệm kích hoạt basophil như phương pháp đo dòng tế bào, đo cd69 hoặc cd203c trên bạch cầu ái toan đã hoạt hóa cũng có thể dùng để chẩn đoán dị ứng kháng sinh. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào dị ứng với kháng sinh Beta-lactam.

5.2 Xét nghiệm phản ứng dị ứng quá mẫn muộn

Các phương pháp thử nghiệm in-vivo khác phù hợp để phát hiện phản ứng quá mẫn muộn bao gồm việc kiểm tra chuyển hóa tế bào lympho (LTT), loại xét nghiệm này tìm ra các tế bào T phản ứng với một loại thuốc đặc biệt. Tuy nhiên, thử nghiệm này khá khó thực hiện kỹ thuật, do đó không được sử dụng phổ biến như thử nghiệm dán. Các loại kháng sinh cho kết quả khả quan với LTT bao gồm: Beta-lactam, Quinolon, Macrolid, Sulfonamid, Tetracyclin, IsoniazidRifampicin trong trường hợp phát ban da (MPE), ban bỏng rộp ngoại vi, phản ứng dị ứng da (AGEP) và phản ứng da với sưng và kích ứng kết hợp với tăng số bạch cầu eosinophilia và các triệu chứng toàn thân (DRESS), viêm gan và viêm thận, nhưng không khả quan trong quá trình hoại tử da trên cao nhiễm (TEN), viêm mạch và thiếu máu (CYTOPENIA). Hiện tại, các phương pháp thử nghiệm in-vitro mới đang được nghiên cứu để đánh giá việc sản xuất cytokine, điều chỉnh hoạt động của các đánh dấu trên bề mặt tế bào, phân tích khả năng gây tổn thương tế bào (granzyme b, cd107).

Phân loại dị ứng kháng sinh và hướng dẫn lựa chọn kháng sinh thay thế 

5.3 Dị ứng Beta-lactam

5.3.1 Dị ứng Penicillin

Kháng sinh Penicillin là kháng sinh gây dị ứng nhiều nhất trong hầu hết các nghiên cứu dịch tễ về phản ứng có hại của thuốc

Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng Penicillin xảy ra nhanh có thể bao gồm:

  • Phát ban da
  • Ngứa, chảy nước mắt
  • Sốt
  • Sưng tấy
  • Hụt hơi, thở khò khè
  • Sốc phản vệ

Phản ứng dị ứng chậm Penicillin ít phổ biến hơn, bao gồm các triệu chứng: 

  • Bệnh huyết thanh, sốt, đau khớp, phát ban, sưng tấy, buồn nôn, thiếu máu, giảm hồng cầu, mệt mỏi, nhịp tim không đều, khó thở
  • Ngoài ra, phản ứng thuốc cũng có thể dẫn đến tăng bạch cầu ái toan, phản ứng toàn thân (DRESS) với phát ban, tăng số lượng bạch cầu, sưng tấy toàn thân, sưng hạch, tái phát nhiễm trùng viêm gan tiềm ẩn.
  • Hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc 
  • Viêm thận có thể gây sốt, tiểu ra máu, sưng tấy toàn thân, lú lẫn và các dấu hiệu và triệu chứng khác. [3] 
  • Một lựa chọn thay thế phổ biến cho những người bị dị ứng Penicillin là Clindamycin. 

Clindamycin là thuốc dự phòng được sử dụng phổ biến nhất ở những bệnh nhân tiền phẫu bị dị ứng Penicillin.

Hình ảnh dị ứng thuốc kháng sinh kháng sinh Amoxicillin (Nguồn tham khảo: Healthline)
Hình ảnh dị ứng thuốc kháng sinh kháng sinh Amoxicillin (Nguồn tham khảo: Healthline)

Dị ứng Cephalosporin

Phản ứng quá mẫn với Cephalosporin ngày càng trở nên phổ biến với nhiều cơ chế bệnh lý miễn dịch. Cephalosporin là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sốc phản vệ và các phản ứng bất lợi nghiêm trọng trên da. Biểu hiện dị ứng Cephalosporin thường gặp nhất là phát ban, ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng phù mạch, bệnh huyết thanh và viêm thận kẽ cấp tính.

Clindamycin là một lựa chọn thay thế dự phòng nếu bệnh nhân có dị ứng với Cephalosporin. Các lựa chọn thay thế khác cũng có thể được sử dụng như Aztreonam, Doxycyclin, Sulfonamid, Levofloxacin, Azithromycin

5.4 Dị ứng Fluoroquinolon

Quinolon là nhóm kháng sinh phổ biến thứ hai liên quan đến phản ứng dị ứng do thuốc gây ra. Đã có nhiều công cụ chẩn đoán được nghiên cứu, nhưng xét nghiệm da có thể cho kết quả dương tính giả và xét nghiệm in vitro chưa được xác nhận. Xét nghiệm kích thích thuốc được coi là xét nghiệm được lựa chọn để xác nhận dị ứng Quinolon. Dị ứng Quinolon có thể biểu hiện dưới dạng phản ứng ngay lập tức hoặc phản ứng chậm, trong đó Moxifloxacin có nguy cơ sốc phản vệ cao nhất. Nếu bệnh nhân dị ứng với một Fluoroquinolon nên tránh các Fluoroquinolone khác. [4] 

Các lựa chọn thay thế cho Fluoroquinolon bao gồm Linezolid, Bactrim, Aztreonam và Piperacillin-Tazobactam

5.5 Dị ứng Sulfonamid

Sulfonamide, đặc biệt là Sulfonamid kháng khuẩn, cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra nhiều phản ứng quá mẫn. Phản ứng dị ứng tức thời qua trung gian IgE ít gặp hơn nhiều so với phản ứng dị ứng muộn. Các phản ứng ở da muộn bao gồm từ các biểu hiện nhẹ đến các phản ứng ở da nghiêm trọng như hội chứng Stevens Johnson, hoại tử biểu bì hoặc phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân. Sulfonamide gồm Sulfonamid kháng khuẩn và Sulfonamid không kháng khuẩn có những khác biệt về cấu trúc, dẫn đến nguy cơ phản ứng chéo rất thấp giữa hai phân lớp này. Xét nghiệm trên da cũng như xét nghiệm in-vitro vẫn còn hạn chế như các lựa chọn trong việc đánh giá quá mẫn với thuốc kháng sinh Sulfonamid. [5] 

Các lựa chọn thay thế thuốc Sulfonamid để điều trị vi khuẩn gram dương là Clindamycin, Levofloxacin hoặc Doxycycline nên được sử dụng ở những bệnh nhân bị nhiễm MRSA hoạt động hoặc có tiền sử MRSA. 

5.6 Dị ứng Clindamycin (Nhóm Lincosamid)

Tỷ lệ dị ứng do Clindamycin gây ra thấp nhưng vẫn tồn tại. Dị ứng phổ biến nhất đối với clindamycin là ban ban dát sẩn muộn, thường xuất hiện khoảng một tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc. Đây có thể là vấn đề ở những bệnh nhân bắt đầu dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Các phản ứng dị ứng khác bao gồm sốc phản vệ, hội chứng Sweets và phát ban bọng nước.

Kháng sinh thay thế Clindamycin bao gồm: Synercid, Linezolid, Metronidazole, Imipenem, Vancomycin, Bactrim, và Doxycycline.

5.7 Dị ứng Tetracyclin

Việc sử dụng Minocycline có khả năng gây ra các phản ứng có hại của thuốc, có thể bao gồm hội chứng quá mẫn, bệnh lupus và bệnh huyết thanh. Điều quan trọng cần lưu ý là những triệu chứng này có thể biểu hiện trong vòng 4 tuần sau khi điều trị, trong khi các trường hợp bệnh lupus liên quan đến việc sử dụng minocycline thường xuất hiện sau trung bình 2 năm điều trị. Mặc dù dị ứng thực sự với tetracycline là không phổ biến nhưng phản ứng dị ứng có thể biểu hiện ở dạng tổn thương da, phát ban và ngứa. [6] 

Các lựa chọn thay thế kháng sinh Tetracyclin bao gồm: Penicillin, Bactrim, Vancomycin,và Ciprofloxacin.

5.8 Các nhóm kháng sinh khác

Các nhóm kháng sinh còn lại như Macrolid, Peptide, Phenicol, Aminoglycoside hiếm khi xảy ra dị ứng. [7] 

6 Điều trị dị ứng thuốc kháng sinh như thế nào?

Điều trị dị ứng kháng sinh phụ thuộc vào mức độ biểu hiện triệu chứng của phản ứng dị ứng.

Các triệu chứng trên da như ngứa và ban đỏ có thể được giảm bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng histamin H1 như Cetirizin, Fexofenadin và Loratadin. Trong trường hợp dị ứng thuốc nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kết hợp việc sử dụng thuốc corticoid như Prednisolon hoặc Methylprednisolon qua đường uống hoặc tiêm truyền theo hướng dẫn. Đối với những người gặp phản ứng dị ứng mạnh hơn, cần sử dụng epinephrine qua đường tiêm ngay lập tức và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để duy trì huyết áp và hỗ trợ hô hấp. [8] 

7 Cách phòng ngừa dị ứng thuốc kháng sinh

Phòng ngừa dị ứng thuốc kháng sinh có thể thực hiện bằng cách:

- Thông báo với bác sĩ về kháng sinh mà bạn đã dùng trước đó và đã gây phản ứng dị ứng hoặc có nguy cơ gây phản ứng dị ứng.

- Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm để xác định có phản ứng dị ứng với kháng sinh hay không.

- Nếu không có phản ứng, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh phù hợp để bạn sử dụng.

- Dựa trên triệu chứng và phản ứng dị ứng trước đây, bác sĩ có thể xác định loại kháng sinh bạn có thể sử dụng và loại thuốc cần tránh.

- Nếu bạn đã gặp phản ứng dị ứng đối với một loại kháng sinh cụ thể, bác sĩ có thể thay đổi sang một loại kháng sinh khác mà bạn không phản ứng.

- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một loại kháng sinh có cấu trúc tương tự với loại đã gây dị ứng trước đó. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được ở một số trường hợp.

8 Dị ứng thuốc kháng sinh ở trẻ em

Dị ứng kháng sinh có thể xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và dễ bị kích thích bởi các chất dị ứng trong kháng sinh.

Một số triệu chứng dị ứng kháng sinh ở trẻ em
Một số triệu chứng dị ứng kháng sinh ở trẻ em

Một số triệu chứng khi trẻ em bị dị ứng thuốc kháng sinh như:

Phản ứng da: Trẻ có thể xuất hiện đỏ, mẩn ngứa trên cơ thể hoặc khu vực tiếp xúc với kháng sinh.

Phản ứng dạ dày: Trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy sau khi sử dụng kháng sinh.

Phản ứng hô hấp: Trẻ có thể ho, thở khò khè, khó thở, hoặc phát ban sau khi sử dụng kháng sinh.

Phản ứng tiểu niệu: Trẻ có thể bị viêm niệu đạo, tiểu buốt, tiểu không đều sau khi sử dụng kháng sinh.

Phản ứng dị ứng tổng thể: Bé bị dị ứng thuốc kháng sinh có thể có các triệu chứng như sốt, ho, cảm lạnh, đau cơ, mệt mỏi, nổi mẩn toàn thân sau khi sử dụng kháng sinh.

Nặng hơn, trẻ có thể gặp các biểu hiện của sốc phản vệ như: mệt, nôn ói, khó thở, thở rít, môi tím tái, da tái nhợt... Trong trường hợp này, người nhà xử lý dị ứng thuốc kháng sinh cho trẻ bằng cách đưa các bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Jenana H. Maker, Cassandra M. Stroup,Vanthida Huang, và Stephanie F. James (Ngày đăng: 27 tháng 8 năm 2019), Antibiotic Hypersensitivity Mechanisms, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023
  2. ^ Tác giả Kimberly G Blumenthal, Jonny G Peter, Jason A Trubiano, Elizabeth J Phillips (Ngày đăng: Ngày 12 tháng 1 năm 2019), Antibiotic allergy, The Lancet. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023
  3. ^ Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng: Ngày 29 tháng 9 năm 2021), Penicillin allergy - Symptoms & causes ,Mayo Clinic. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023
  4. ^ Tác giả Edoabasi U. McGee, Essie Samuel, Bernadett Boronea, Nakoasha Dillard, Madison N. Milby, và Susan J. Lewis (Ngày đăng: Ngày 19 tháng 7 năm 2019),Quinolone Allergy, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023
  5. ^ Tác giả Timothy G Chow , David A Khan (Ngày đăng: Ngày 1 tháng 7 năm 2021), Sulfonamide Hypersensitivity, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023
  6. ^ Tác giả Bernard Yu-Hor Thong (Ngày đăng: Ngày 24 tháng 3 năm 2010), Update on the Management of Antibiotic Allergy, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023
  7. ^ Tác giả Yusuf Opakunle, DPM (Ngày đăng: Năm 2018), Common Antibiotics, Allergies, and Alternatives,The Podiatry Institute. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023
  8. ^ Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng: Ngày 29 tháng 9 năm 2021), Penicillin allergy - Diagnosis & treatment , Mayo Clinic. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Dị ứng kháng sinh có gây tử vong k ạ


    Thích (1) Trả lời 1
    • Trong một số trường hợp dị ứng kháng sinh nặng dẫn đến tổn thương gan, thận, suy hô hấp mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Thông tin đến bạn

      Quản trị viên: Dược sĩ Lệ Mỹ vào


      Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633