1. Trang chủ
  2. Dinh Dưỡng
  3. Ăn dặm truyền thống là gì? Thực đơn chi tiết ăn dặm truyền thống cho trẻ

Ăn dặm truyền thống là gì? Thực đơn chi tiết ăn dặm truyền thống cho trẻ

Ăn dặm truyền thống là gì? Thực đơn chi tiết ăn dặm truyền thống cho trẻ

Trungtamthuoc.com - Ăn dặm truyền thống là phương pháp ăn dặm phổ biến với các mẹ Việt Nam. Vậy ăn dặm truyền thống là gì? Cách nấu thực đơn ăn dặm truyền thống cho trẻ theo từng độ tuổi như thế nào? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết

1 Thế nào là phương pháp ăn dặm truyền thống?

Ăn dặm hay ăn bổ sung là cho trẻ ăn tập ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Ăn dặm truyền thống là một trong ba phương pháp phổ biến được nhiều mẹ áp dụng để cho con ăn dặm.

Đặc điểm của ăn dặm truyền thống
Đặc điểm của ăn dặm truyền thống

Đặc điểm khi cho bé ăn dặm truyền thống:

  • Các loại thực phẩm sẽ được xay nhuyễn, trộn lẫn vào với nhau để cho trẻ ăn.
  • Độ thô của thức ăn sẽ tăng dần theo tháng tuổi của trẻ, từ cháo loãng, cháo đặc, cháo nguyên hạt, cơm hạt đến cơm thường như người lớn ăn hàng ngày.

Trẻ từ 6 tháng tuổi (180 ngày) có thể bắt đầu ăn dặm truyền thống. Cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ ăn sớm hơn hoặc ăn muộn hơn vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

  • Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 180 ngày) có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ d chức năng tiêu hóa lúc này chưa hoàn thiện, chỉ tiêu hóa và hấp thụ được sữa mẹ.
  • Nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 180 ngày) có thể làm cho trẻ chậm phát triển do sữa mẹ không còn cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày của trẻ. Bên cạnh đó, lượng Sắt dự trữ cũng giảm do đó mẹ cần cho con ăn bổ sung để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.

2 Nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm truyền thống

Mặc dù là phương pháp lâu đời nhưng để cho quá trình ăn dặm của con được diễn ra dễ dàng và đầy thú vị thì cha mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Lựa chọn thời điểm thích hợp để bắt đầu cho con ăn dặm.
  • Xây dựng thực đơn đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết.
  • Cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều.
  • Không nên ép con ăn khi con không muốn. Kiên nhẫn, động viên khuyến khích con ăn. Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, tự lập, không vừa rong vừa cho con ăn, không cho con xem tivi hoặc điện thoại khi đang ăn uống.
  • Thay đổi thực đơn thường xuyên để con được tiếp xúc với nhiều loại thực mới đồng thời kích thích cảm giác thèm ăn cho con.
  • Tăng độ thô của thức ăn theo tháng tuổi để con phát triển khả năng nhai nuốt.
  • Lựa chọn nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến.

3 Lợi ích của phương pháp ăn dặm truyền thống

3.1 Ưu điểm

Phương pháp ăn dặm truyền thống giúp trẻ có một bữa ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất bao gồm tinh bột, đạm, vitamin, khoáng chất, chất béo.

Các nguyên liệu được xay mịn do đó giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn.

Quy trình chế biến đơn giản, mẹ không cần tốn quá nhiều thời gian và công sức.

Là phương pháp lâu đời, do đó có nhiều tài liệu hướng dẫn hoặc sách ăn dặm truyền thống cho mẹ tham khảo.

Mỗi khẩu phần ăn của trẻ được điều chỉnh hợp lý, phù hợp với khả năng của con.

3.2 Hạn chế

Do trộn lẫn các loại nguyên liệu nên trẻ không cảm nhận được hương vị của từng món ăn.

Trong trường hợp xảy ra dị ứng cũng khó phát hiện được nguyên nhân.

Khả năng nhai nuốt thường kém phát triển hơn so với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoặc phương pháp ăn dặm tự chỉ huy.

4 Các nhóm thực phẩm cần thiết cho trẻ

Các nhóm thực phẩm cần thiết cho trẻ
Các nhóm thực phẩm cần thiết cho trẻ

4.1 Nhóm thực phẩm giàu chất bột

Nhóm thực phẩm giàu chất bột cung cấp nhiệt lượng chủ yếu trong khẩu phần ăn của trẻ, thường là các loại ngũ cốc. Thực đơn ăn dặm theo kiểu truyền thống thường sử dụng gạo, ngô, khoai, được chế biến dưới dạng bột, cháo để sử dụng cho trẻ. Ngoài ra, các món ăn khác như bún, miến, phở cũng là loại thức ăn chứa nhiều tinh bột.

4.2 Nhóm thực phẩm giàu chất đạm

Trẻ nhỏ từ 6 đến 24 tháng cần được bổ sung thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, gia cầm hàng ngày để con phát triển toàn diện.

Thức ăn giàu đạm có nguồn gốc từ động vật là các loại thức ăn cung cấp nhiều đạm có giá trị dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng, cung cấp năng lượng giúp bé phát triển khỏe mạnh.

Một số thực phẩm giàu đạm mà mẹ có thể bổ sung cho con bao gồm: Sữa, trứng, thịt, lươn, tôm, cua, cá,... nội tạng động vật như gan, tim,... đề có thể cho trẻ ăn được. Các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, thịt gà không nhất thiết ăn toàn thịt nạc mà có thể cho con ăn cả thịt nạc lẫn mỡ.

Các loại thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc từ động vật bao gồm đậu đen, đậu nành, đậu xanh,... Trong đó, đậu nành là loại hạt có hàm lượng chất đạm và chất béo cao nhất. Đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng như thức ăn động vật mà giá thành thường rẻ hơn rất nhiều.

4.3 Nhóm thực phẩm giàu năng lượng (chất béo)

Bao gồm dầu, mỡ, bơ,... giúp bổ sung năng lượng cho bé và giúp thức ăn mềm hơn. Ngoài mỡ động vật, mẹ có thể cho con sử dụng các loại dầu lạc, dầu đậu nành, Dầu Vừng,..

Việc thêm chất béo vào trong bữa ăn giúp tăng năng lượng của khẩu phần ăn vì trẻ nhỏ là những đối tượng cần nhiều năng lượng nhất. Ngoài ra, chất béo có tác dụng hòa tan một số loại vitamin như Vitamin A, Vitamin D, Vitamin E, vitamin K,.. giúp trẻ phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất béo vì chất béo làm cho trẻ dễ bị ngán và cảm thấy no trước khi ăn hết bữa ăn.

4.4 Nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ

Rau xanh và quả chín là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất vô cùng phong phú, đây cũng là một trong số những nhóm thực phẩm giúp cơ thể bé phát triển.

Các loại rau có màu xanh thẫm như rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau cải, rau dền,... đều chứa hàm lượng Vitamin C và các vi chất như beta-caroten (tiền vitamin A), và sắt giúp hạn chế tình trạng khô mắt ở trẻ, ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn.

Các loại củ, quả có màu vàng và màu cam như chuối, Đu Đủ, xoài, hồng xiêm, quýt, bí đỏ, gấc, cà rốt,... cũng chứa rất nhiều các loại vitamin, không bị hao hụt do không trải qua quá trình chế biến.

Rau quả có chứa nhiều chất xơ giúp trẻ tiêu hóa tốt.

Các loại thực phẩm như thịt hoặc nội tạng của động vật (tim, gan) chứa nhiều sắt và Kẽm, giúp trẻ phát triển não, bộ, ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt.

Lòng đỏ trứng và các loại thịt có màu đỏ cũng rất giàu sắt.

5 Quy trình ăn dặm truyền thống

Quy trình ăn dặm truyền thống
Quy trình ăn dặm truyền thống

5.1 Giai đoạn 1: Ăn bột hoặc cháo loãng

Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng, 7 tháng thường là cháo loãng, nấu theo tỷ lệ 1:10. Mẹ có thể nấu cháo với nước ninh xương, nước luộc rau củ.

Mẹ cần lưu ý rằng, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu trong giai đoạn này, do đó, không nên ép con ăn mà chỉ cho con tập tiếp xúc với thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Lưu ý:

  • Cho trẻ bú theo nhu cầu hàng ngày.
  • Cho con ăn 1-2 bữa/ngày. Khi con đã quen với việc ăn cháo hoặc ăn bột, mẹ có thể thêm các loại thức ăn khác cho con như trái cây hoặc sữa chua.
  • Các loại thực phẩm khác như rau củ, thịt, gan, hải sản,... cần được xay nhuyễn trước khi nấu cùng với cháo.
  • Cho con làm quen với thức ăn dặm theo thứ tự cháo loãng, rau củ, thực phẩm chứa đạm để hệ tiêu hóa của con tiếp nhận từ từ.
  • Không nên cho con ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như lạc, Mật Ong,...

5.2 Giai đoạn 2: Tăng độ đậm đặc

Độ tuổi: 8-9 tháng.

Trong thời gian này, mẹ có thể nấu cháo nguyên hạt, ninh nhừ để cháo nát mà không cần xay nhuyễn.

Thực đơn hàng ngày bổ sung thêm đa dạng các loại thực phẩm khác nhau để con cảm nhận được hương vị, kích thích cảm giác thèm ăn.

Nên chia nhỏ từng bữa, xen kẽ với các cữ bú của con.

5.3 Giai đoạn 3: Cho con ăn cháo nguyên hạt

Độ tuổi từ 10 đến 12 tháng.

Thời gian này, mẹ cần tăng độ thô của các món ăn bằng cách nấu cháo nguyên hạt, băm nhỏ thịt, tôm,.. để nấu cùng với cháo.

Mẹ nên cho con tập làm quen với thìa, muỗng để con tự xúc khi ăn.

Có thể cho con ngồi chung với bố mẹ trong bữa ăn của cả nhà.

5.4 Giai đoạn 4: Cho bé ăn cơm

Độ tuổi từ 1 tuổi trở lên.

Ở giai đoạn này, con đã có thể ăn được gần hết những thức ăn hàng ngày, do đó cha mẹ có thể cho con tập ăn cơm nát kèm với các loại thức ăn băm nhỏ.

Rèn cho con khả năng tự lập khi ăn.

Mẹ có thể nêm nếm gia vị phù hợp để tăng sự thích thú khi ăn.

6 Cách chế biến đồ ăn dặm truyền thống

6.1 Sơ chế thực phẩm

Loại thực phẩm

Cách sơ chế

Thịt, cá

Rửa sạch, loại bỏ xương, xay nhuyễn hoặc băm nhỏ

Trứng

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên bỏ lòng trắng, cho con ăn lòng đỏ. Đối với trẻ trên 1 tuổi, mẹ đã có thể cho con ăn cả lòng đỏ và lòng trắng

Tôm

Bóc vỏ, bỏ chỉ, băm, xay nhuyễn

Các loại hạt

Giã hoặc nghiền nhỏ

Cua

Rửa, lấy gạch, giã cua rồi lọc với nước

Rau

Rửa sạch, thái, xay nhuyễn hoặc băm nhỏ

6.2 Cách nấu cháo truyền thống cho bé

Cách nấu cháo truyền thống cho trẻ 6 tháng, 7 tháng: Ninh cháo theo tỷ lệ 1 phần cháo, 10 phần nước. Tăng dần độ đậm đặc theo tháng tuổi của con.

Cho thịt hoặc hải sản đã sơ chế vào, đun sôi.

Cho rau vào sau cùng để tránh bị mất các loại vitamin.

Cho thêm dầu ăn, gia vị (đối với trẻ trên 1 tuổi), khuấy đều.

Cho ra bát, cho trẻ ăn sau khi nguội bớt.

6.3 Cách nấu bột ăn dặm truyền thống cho trẻ

Đong đủ lượng bột cần thiết.

Cho hỗn hợp bột và nước vào nồi, khuấy đều, đun nhỏ lửa cho đến khi bột đặc, tắt bếp, đậy vung.

Cho các nguyên liệu khác vào nấu cùng.

Để bột nguội vừa phải và cho trẻ ăn.

7 Đảm bảo vệ sinh trong bữa ăn của trẻ

Mẹ cần đảm bảo vệ sinh khi nấu ăn dặm cho trẻ
Mẹ cần đảm bảo vệ sinh khi nấu ăn dặm cho trẻ

7.1 Vệ sinh

Rửa sạch tay và dụng cụ nấu ăn cho trẻ với xà phòng và nước sạch.

Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi cho trẻ ăn.

Rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh, thay vệ sinh hoặc sau khi cho con tiếp xúc với động vật.

Vệ sinh sạch sẽ tất cả những bề mặt dụng cụ để chế biến, nấu và đựng thức ăn.

Lựa chọn những thực phẩm sạch, an toàn với trẻ.

7.2 Nấu chín

Thức ăn phải được nấu chín đặc biệt là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật bao gồm thịt, gia cầm, hải sản, trứng.

Các loại thức ăn khác như cháo, rau cần đun sôi. Còn đối với thịt và gia cầm cần nấu chín, không được còn màu hồng.

Đun sôi thức ăn nếu nấu lại, trong quá trình nấu nước cần đảo thức ăn khi hầm hoặc khi đun lại thức ăn.

7.3 Bảo quản thức ăn

Để riêng thịt sống, gia cầm, hải sản, trứng với các loại thức ăn khác.

Sử dụng dụng cụ đựng, dao, thớt thái thức ăn sống và chín riêng.

Đậy nắp dụng cụ chứa thức ăn khi bảo quản.

Sử dụng dụng cụ sạch khi cho trẻ ăn.

Không để thức ăn chín ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C) quá 2 giờ.

Không để thức ăn trong tủ lạnh quá 4 ngày.

Nên cho trẻ ăn ngay sau khi chế biến, không để quá lâu sau khi nấu.

8 Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé

8.1 Thực đơn 30 ngày đầu ăn dặm truyền thống

Dưới đây là thực đơn 30 ngày ăn dặm truyền thống cho bé mà mẹ có thể tham khảo và thực hiện tại nhà. Trong tuần đầu ăn dặm truyền thống, mẹ không nên đặt nặng ép con ăn mà chỉ nên cho con tiếp xúc với việc ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Bảng thực đơn dưới đây mẹ có thể thay cháo bằng bột tùy theo khẩu vị của con.

Ngày 1

Cháo trắng

Ngày 11

Cháo cà rốt

Ngày 21

Chuối nghiền trộn cùng sữa công thức

Ngày 2

Cháo nấu cùng rau cải

Ngày 12

Táo hấp chín nghiền cùng sữa công thức

Ngày 22

Cháo nấu với rau cải

Ngày 3

Cháo bí đỏ

Ngày 13

Bột rau mồng tơi

Ngày 23

Súp rau củ

Ngày 4

Súp khoai tây

Ngày 14

Bột măng tây

Ngày 24

Bơ nghiền với sữa công thức

Ngày 5

Cháo cà rốt

Ngày 15

Bột su su

Ngày 25

Cháo bí xanh

Ngày 6

Cháo bí xanh

Ngày 16

Bột đậu đen

Ngày 26

Cháo bí đỏ

Ngày 7

Cháo su su

Ngày 17

Bột súp lơ xanh

Ngày 27

Cháo rau ngót

Ngày 8

Cháo rau ngót

Ngày 18

Cháo đậu Hà Lan

Ngày 28

Bột khoai tây

Ngày 9

Cháo súp lơ

Ngày 19

Cháo cà rốt

Ngày 29

Cháo cà rốt

Ngày 10

Cháo bí đỏ

Ngày 20

Cháo nấu cùng lòng đỏ trứng gà

Ngày 30

Cháo đậu Hà Lan

8.2 Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng truyền thống

Khi nấu ăn theo phương pháp này, mẹ nên cho bé làm quen với cháo trắng, sau đó khi con đã quen, mẹ có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm khác trong bữa ăn của con. Cần xay nhuyễn để con tiêu hóa tốt hơn.

8.2.1 Cháo cà rốt

Cháo cà rốt
Cháo cà rốt

Nguyên liệu:

  • Cà rốt xay nhuyễn.
  • Cháo hoặc bột.

Cách tiến hành:

  • Nấu cháo theo tỷ lệ 1:10 (1 phần gạo, 10 phần nước) sau đó rây cho mịn.
  • Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ rồi đem hấp, khi cà rốt chín mềm thì xay nhuyễn hoặc nghiền mịn.
  • Đun sôi cháo, cho cà rốt vào sau cùng, đun sôi thêm khoảng 1 phút là có thể tắt bếp.

8.2.2 Cháo bí đỏ

Bí đỏ có vị ngọt tự nhiên, do đó khi lên thực đơn cho bé 7 tháng ăn dặm truyền thống mẹ có thể lựa chọn cháo bí đỏ để con tập làm quen.

Nguyên liệu:

  • Bí đỏ.
  • Cháo hoặc bột.

Cách tiến hành:

  • Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng, đem hấp. Sau khi chín nhừ, mẹ bỏ bí ra bát sau đó nghiền nhuyễn.
  • Cháo trắng nấu theo tỷ lệ 1:10, sau khi cháo chín, mẹ cho cháo qua rây, rây mịn.
  • Đun sôi cháo, cho bí đỏ vào đun thêm khoảng 1 phút, tắt bếp, để nguội bớt và cho trẻ ăn.

8.2.3 Súp khoai

Đây là món ăn dặm mẹ nên thêm vào thực đơn vì giúp trẻ tăng cân rất tốt.

Nguyên liệu:

  • Khoai tây hoặc khoai lang.
  • Sữa công thức hoặc sữa mẹ.

Cách tiến hành:

  • Khoai rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín và cho ra bát nghiền nhuyễn.
  • Sau đó, cho sữa và khoai vào nồi, tiếp tục đun cho đến khi khoai tây chín mềm, thu được hỗn hợp đồng nhất.
  • Cho hỗn hợp trên vào máy xay hoặc cho qua rây lọc cho mịn và cho con ăn.

8.2.4 Khoai lang nghiền

Nguyên liệu:

  • Sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước.
  • Khoai lang.

Cách tiến hành:

  • Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước cho hết Nhựa, cắt thành từng miếng nhỏ.
  • Hấp chín khoai lang, cho qua rây nghiền mịn.
  • Sau đó, trộn sữa với khoai lang đã nghiền mịn, đun hỗn hợp trên bếp cho đến khi hòa quyện rồi để nguội bớt cho trẻ ăn.

8.2.5 Bơ trộn sữa

Bơ trộn sữa cũng là một món ăn dặm dễ làm, nhiều dưỡng chất cho con.

Nguyên liệu:

  • Sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Bơ chín, dùng ¼ quả.

Cách tiến hành:

  • Bơ rửa sạch, bóc vỏ, lấy phần thịt, nghiền cho mịn.
  • Cho sữa vào bơ và trộn đều, cho trẻ ăn trực tiếp.

9 Phân biệt ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật

Đặc điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống là các nguyên liệu được xay nhuyễn và trộn cùng với nhau.

Đặc điểm của ăn dặm kiểu Nhật là thức ăn được rây hoặc nghiền mịn, không trộn lẫn các loại thức ăn mà để trẻ cảm nhận hương vị của từng loại.

Bạn đọc có thể tham khảo: 5 điểm khác nhau của phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật.

10 Kết luận

Ăn dặm truyền thống hiện nay vẫn là một trong số những phương pháp được nhiều mẹ áp dụng do có ưu điểm dễ thực hiện. Mẹ có thể tham khảo thực đơn ăn dặm được đề cập bên trên để thực hiện tại nhà cho con.


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900.888.633