6 lưu ý giúp chăm sóc vùng kín tránh nguy cơ viêm nhiễm
Trungtamthuoc.com - chăm sóc vùng kín có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh lý phụ khoa. Làm thế nào để bảo vệ cô bé khỏe mạnh, tránh nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm. Hãy đọc ngay các bí quyết sau đây để chăm sóc vùng kín tốt nhất.
1 Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su
Bạn biết rằng sử dụng bao Cao Su là một giải pháp tốt trong việc tránh mang thai. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới đây, việc sử dụng bao cao su đúng cách còn có tác dụng bảo vệ cơ thể tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh viêm nhiễm phụ khoa thông thường.
Lý do là sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục giúp duy trì hệ vi khuẩn trong âm đạo. Các vi khuẩn trong âm đạo có vai trò quan trọng trong việc cân bằng pH âm đạo, ngăn ngừa nhiễm nấm men và nhiễm trùng đường âm đạo.
2 Mặc quần lót cotton
Một lưu ý cho các bạn nữ khi chọn đồ lót là các bạn nên chọn đồ lót có chất liệu vải bông. Đó là lý do tại sao hầu hết các đồ lót hiện nay đều đi kèm với một dải vải cotton mỏng ở đáy quần. Việc mặc quần lót bằng bông giúp âm đạo khô thoáng, sạch sẽ, tránh tạo môi trường cho các vi khuẩn xấu phát triển.
3 Bổ sung sữa chua hàng ngày
Sữa chua chứa một lượng vi khuẩn tốt cho âm đạo. Các chuyên gia khuyên phụ nữ nên ăn sữa chua hàng ngày để có một hệ vi khuẩn âm đạo khỏe mạnh, điều trị nhiễm trùng nấm men. [1] Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sữa chua cũng giúp cơ thể hạn chế được các vấn đề về đường ruột, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
4 Không thụt rửa sâu trong âm đạo
Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ có thói quen thụt rửa sâu trong âm đạo. Điều này không những không mang lại lợi ích làm sạch âm đạo mà còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn xấu phát sinh. Việc thụt rửa sâu vào trong âm đạo mang thêm một lượng vi khuẩn xấu từ môi trường bên ngoài vào trong âm đạo.
Xà phòng mạnh có thể gây kích ứng da và niêm mạc âm hộ và gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da âm hộ, các sản phẩm rửa phụ nữ phải được pha chế và thử nghiệm dành riêng cho vùng âm hộ để đảm bảo rằng chúng không gây kích ứng hoặc mẫn cảm cho da. [2]
Bên cạnh đó, thụt rửa mang nước từ bên ngoài vào trong âm đạo, nước là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xấu phát triển. Việc mất cân bằng hệ sinh vật trong âm đạo gây tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như nhiễm trùng âm đạo, nấm âm đạo. Các chuyên gia khuyên phụ nữ chỉ nên dùng nước sạch, ấm rửa bên ngoài âm đạo, sau đó lau khô.
5 Hãy cẩn thận khi sử dụng kháng sinh
Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, lạm dụng kháng sinh đang là một vấn nạn ở nước ta. Sử dụng kháng sinh không hợp lí không chỉ không chữa được căn bệnh nhiễm trùng đang mắc phải mà còn có thể gây ra một số bệnh lí khác.
Kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, vì vậy có thể diệt cả những vi khuẩn có lợi có trong hệ sinh dục nữ, gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường âm đạo. Một khi hệ cân bằng này bị phá vỡ sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển, gây bệnh nhiễm trùng âm đạo. Do đó, mọi người nên đi khám kịp thời khi có các dấu hiệu nhiễm trùng và sử dụng kháng sinh theo đúng kê đơn của bác sĩ, tránh lạm dụng kháng sinh.
6 Khám phụ khoa hàng năm
Thông thường mọi người thường có thói quen chỉ khi có dấu hiện mang bệnh mới đi khám như ngứa, sưng, đau. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên phụ nữ nên đi khám phụ khoa ít nhất một năm một lần để kịp thời phát hiện và chữa trị bệnh. Lý do là một số bệnh phụ khoa diễn biến âm thầm, khi có các dấu hiệu lâm sáng thì bệnh đã trở nên nặng, khó chữa và mất nhiều thời gian điều trị. Do đó, để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kì.
Trên đây là 6 lưu ý giúp bạn bảo vệ vùng kín một cách tốt nhất, giúp nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Tài liệu tham khảo
- ^ Corinne O'Keefe Osborn (Ngày cập nhật 8 tháng 3 năm 2019). Is Yogurt a Safe and Effective Treatment for Yeast Infection?, Healthline. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021
- ^ Ying Chen, Elizabeth Bruning, Joseph Rubino, và Scott E Eder (Ngày đăng tháng 12 năm 2017). Role of female intimate hygiene in vulvovaginal health: Global hygiene practices and product usage, NCBI. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021