1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. 5 loại viên nén đặc biệt - Đặc điểm, phương pháp và kỹ thuật bào chế

5 loại viên nén đặc biệt - Đặc điểm, phương pháp và kỹ thuật bào chế

5 loại viên nén đặc biệt - Đặc điểm, phương pháp và kỹ thuật bào chế

Trungtamthuoc.com - Viên nén là dạng bào chế phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu sử dụng, hiện nay có nhiều loại viên nén đặc biệt khác. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết

1 Viên ngậm (Lozenge) là gì?

Viên ngậm (Lozenge) là gì?
Viên ngậm (Lozenge) là gì?

Là dạng viên sử dụng tại khoang miệng, nên giữ lâu cho đến khi viên hoàn toàn nhằm mục đích gây tác dụng tại chỗ hay tác dụng toàn thân.

Phương pháp bào chế:

  • Phương pháp dập viên thông thường.
  • Phương pháp đổ khuôn như khi sản xuất kẹo.

Thực tế, kẹo ngậm chứa thuốc có 2 loại:

  • Kẹo cứng chế với đường.
  • Kẹo mềm chế với tá dược gelatin.

Ngoài những yêu cầu khi bào chế viên nén, viên ngậm sẽ có một số nguyên tắc riêng bao gồm:

  • Giải phóng dược chất từ từ: Viên ngậm cần đáp ứng yêu cầu giữ được trong miệng từ 30 đến 60 phút. Cơ chế giải phóng dược chất thông qua việc hòa tan dần từ ngoài vào trong. Một số dược điển quy định thời gian rã của viên ngậm là 4 giờ đồng hồ.
  • Hương vị thơm ngon, dễ sử dụng đồng thời, cần tránh lựa chọn những tá dược không tan vì sẽ gây sạn trong khoang miệng, tạo cảm giác khó chịu cho người sử dụng. Bên canh đó, việc sử dụng các tá dược không tan cũng gây nên tình trạng tăng tiết nước bọt, dễ gây nuốt viên thuốc và làm giảm tác dụng điều trị. [1]

1.1 Tá dược sử dụng cho viên ngậm

Tá dược sử dụng cho viên ngậm
Tá dược sử dụng cho viên ngậm

3 nhóm tá dược quan trọng của viên ngậm là:

  • Tá dược độn.
  • Tá dược dính.
  • Tá dược điều hương vị.

Tá dược độn thường chiếm khoảng 60 đến 90% tổng khối lượng của mỗi viên ngậm nhằm mục đích che giấu mùi vị khó chịu của viên do đó, cần ưu tiên lựa chọn những loại tá dược độn có khả năng tạo ra được mùi vị dễ chịu cho viên ngậm. Các loại tá dược độn phổ biến thường dùng là Dipac, Sorbitol, Manitol, Emdex,...

Sử dụng các loại tá dược dính mạnh để kéo dài thời gian rã của viên. Một số tá dược dính thường được sử dụng là Gôm arabic, siro, Manitol,... Để phù hợp với tính chất của viên ngậm cũng như thói quen của người dùng, nhóm tá dược dính được bán trên thị trường ở 2 dạng là dạng lỏng và dạng bột phun sấy:

  • Dạng lỏng: Sử dụng bằng cách phun trực tiếp vào bột hoặc hạt lúc dập viên. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là dễ bị hao hụt, giảm khả năng liên kết của bột khi dập viên đồng thời tá dược khó phân phối đồng đều được trong các viên. Để khắc phục tình trạng này, người ta có thể sử dụng một tá dược hút thích hợp cho hấp phụ trước khi dập viên.
  • Đối với dạng bột phun sấy có nhiều ưu điểm dễ trộn đều với bột hoặc hạt, giữ được hương vị lâu trong suốt quá trình bảo quản viên.

1.2 Phương pháp bào chế viên ngậm

Viên ngậm được bào chế theo 2 phương pháp, cụ thể:

Phương pháp

Cách tiến hành

Phương pháp dập viên

Dập thẳng hoặc tạo hạt như đối với viên nén thông thường

Viên ngậm thường có khối lượng lớn (1-4g) nên theo kinh nghiệm thường phải khống chế tỷ lệ bột mịn dưới 15% để đảm bảo biến thiên khối lượng của viên

Để kéo dài thời gian rã, viên ngậm được dập ở lực nén cao hơn so với các loại viên nén thông thường (khoảng 15-20kg) đồng thời hay được dập với các bộ cối chày đặc biệt tạo thành các hình dáng khác nhau như hình bán nguyệt hoặc hình tam giác, tạo ra hình dạng đặc trưng cho viên ngậm và kích thích người tiêu dùng

Phương pháp đổ khuôn

Áp dụng khi chế các dạng kẹo ngậm

Việc đổ khuôn, đầu tiên được tiến hành thủ công theo các bước: Tạo khối dẻo, đổ khuôn, để nguội rồi tháo viên

Hiện nay có những máy chế viên hoạt động tự động theo công suất hàng trăm nghìn viên một giờ, hoạt động theo nguyên tắc: Tạo khối dẻo, đùn sợi viên, tạo hình viên. Các thiết bị này có thể tạo ra viên 2 lớp: Nhân và vỏ có thành phần, mùi vị khác nhau để tăng hiệu quả điều trị và hấp dẫn người dùng

Phương pháp đổ khuôn tạo ra được những loại kẹo thuốc có mùi vị thơm ngon, thích hợp với nhiều nhóm đối tượng khác nhau đặc biệt là trẻ em

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng trong các trường hợp dược chất có mùi vị dễ chịu, khối lượng dược chất nhỏ và chịu được nhiệt độ cao

1.3 Một số ví dụ về viên ngậm

Một số ví dụ về viên ngậm
Một số ví dụ về viên ngậm

1.3.1 Viên ngậm Methyltestosterone

Chuẩn bị:

  • 10mg Methyltestosterone.
  • 87mg Saccarose.
  • 86mg Lactose.
  • 10mg Gôm arabic.
  • Tá dược trơn vừa đủ.

Cách tiến hành:

  • Trộn bột kép.
  • Làm ẩm bột kép với lượng nước cất vừa đủ.
  • Tạo hạt.
  • Dập viên.

1.3.2 Kẹo ngậm Strepsils

Chuẩn bị:

Cách tiến hành:

  • Điều chế viên ngậm theo phương pháp đổ khuôn, mỗi viên strepsils chứa 1,7g saccarose.
  • Nên dùng thận trọng với bệnh nhân đái tháo đường do hàm lượng đường cao.
  • Không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi để đảm bảo an toàn.

2 Viên đặt dưới lưỡi

Viên đặt dưới lưỡi
Viên đặt dưới lưỡi

2.1 Khái niệm

Viên đặt dưới lưỡi đã được sử dụng từ rất lâu. Những năm 1879, người ta đã sử dụng viên Nitroglycerin đặt dưới lưỡi nhằm mục đích điều trị đau thắt ngực.

Tuy nhiên, có một khoảng thời gian dài viên đặt dưới lưỡi ít được sử dụng. Cho đến những năm gần đây, người ra đã phát triển viên đặt dưới lưỡi nhiều hơn, đặc biệt là những viên đặt chứa dược chất có tác dụng điều trị bệnh tim và chứa các hormone như: Ergotamin, Nifedipin, Isosorbid,...

Ưu điểm của viên đặt dưới lưỡi:

  • Do hệ thống tĩnh mạch ở dưới lưỡi dày đặc, do đó, dược chất sau khi hấp thu sẽ được đưa nhanh đến tĩnh mạch cổ sau đó về về tim và nhanh chóng phát huy tác dụng.
  • Hạn chế những tác động bất lợi ở Đường tiêu hóa so với dạng viên uống, cải thiện sinh khả dụng của viên thuốc.
  • Thời gian rã nhanh để tăng hiệu quả hấp thu.

Đặc điểm của viên đặt dưới lưỡi:

  • Dược chất dễ hòa tan.
  • Để hạn chế tình trạng gây cảm giác lợn cợn dưới lưỡi và rút ngắn thời gian rã của viên, thường bào chế viên đặt dưới lưỡi với khối lượng nhỏ, viên có độ mỏng nhất định.
  • Dược chất cần sử dụng ở liều thấp, yêu cầu không gây kích ứng niêm mạc và có thể nghiền được ở dạng bột rất mịn.

2.2 Tá dược của viên đặt dưới lưỡi

Do khối lượng dược chất trong mỗi viên nhỏ nên tá dược chính là tá dược độn.

Hạn chế sử dụng các loại tá dược độn không tan vì sẽ gây cảm giác khó chịu. Thường sử dụng các loại bột đường làm tá dược độn như lactose, glucose, sorbitol,...

2.3 Kỹ thuật bào chế

Từ xưa, viên đặt dưới lưỡi thường được bào chế theo phương pháp đổ khuôn.

Quá trình đổ khuôn có thể thực hiện bằng tay hoặc bằng máy. Một số nguyên tắc đổ khuôn cần phải đảm bảo, bao gồm:

  • Tạo khối bánh viên.
  • Ép vào khuôn để tạo hình viên.
  • Lấy viên ra khỏi khuôn.
  • Sấy khô.

Đối với những viên đặt dưới lưỡi chứa lượng lớn bột đường thì có thể sử dụng cồn (50-70 độ) để làm tá dược tạo khối ẩm.

Khi sản xuất công nghiệp, cần sử dụng loại máy chế viên theo phương pháp đổ khuôn với công suất 100.000 đến 150.000 viên mỗi giờ.

Ưu điểm của phương pháp đổ khuôn là tạo ra được những viên có khả năng rã nhanh nhưng lại có nhược điểm là khó đảm bảo được sự biến thiên khối lượng và hàm lượng dược chất trong mỗi viên.

Hiện nay, viên đặt dưới lưỡi thường được bào chế bằng phương pháp dập viên thông thường. Để đảm bảo độ mài mòn của viên, cần thêm các loại tá dược dính như gôm arabic ngoài bột đường. Tuy nhiên, cần lưu ý nghiên cứu thận trọng để tránh ảnh hưởng đến sự rã của viên.

2.4 Ví dụ về viên đặt dưới lưỡi nitroglycerin

Ví dụ về viên đặt dưới lưỡi
Ví dụ về viên đặt dưới lưỡi

Chuẩn bị:

  • 0,4g nitroglycerin.
  • 32,25mg Lactose.
  • 0,35mg PEG 4000.
  • Ethanol 60% vừa đủ.

Cách tiến hành:

  • Trộn bột kép nitroglycerin với lactose.
  • Sau đó, hòa PEG vào cồn rồi trộn với lượng bột kép bên trên.
  • Ép khối bột vào khuôn để tạo hình viên.
  • Lấy viên ra khỏi khuôn.
  • Làm khô.

Trong phương pháp bào chế hiện đại, viên nitroglycerin được bào chế bằng cách sử dụng tá dược kết dính niêm mạc. Khi sử dụng, viên thuốc được cài ở phần giữa má và lợi của người bệnh để tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Dược chất được giải phóng trong vòng 8 giờ.

3 Viên nhai (Chewable tablet)

Viên nhai (Chewable tablet)
Viên nhai (Chewable tablet)

3.1 Khái niệm

Viên nhai được sử dụng bằng cách nhai nát trước khi nuốt, dược chất có tác dụng tại dạ dày hoặc được hấp thu gây tác dụng toàn thân.

Viên nhai được bào chế cho một số dược chất như:

  • Các loại vitamin.
  • Các antacid.
  • Thuốc hạ nhiệt giảm đau.

3.2 Tá dược trong viên nhai

Cần phải lựa chọn tá dược điều hương vị phù hợp cho viên nhai, chất điều hương cần lựa chọn sao cho phù hợp với vị của viên. Ví dụ, đối với những viên nhai có vị ngọt thì nên lựa chọn chất điều hương có mùi Mật Ong, đối với những viên nhai có vị chua thì lựa chọn các chất điều hương có mùi chanh, vị đắng thì lựa chọn các chất điều hương có mùi socola,...

Việc lựa chọn chất điều vị còn phụ thuộc vào nhóm đối tượng sử dụng viên nhai. Ví dụ, trẻ em thường thích mùi hoa quả, người già thường thích mùi Bạc Hà hoặc mùi Quế. Còn người lớn lại thích những mùi như dâu tây, vani,...

Chất thơm khi sử dụng để bào chế viên nhai nên chọn dạng bột, có ưu điểm là dễ phối vào khối bột đồng thời giữ được mùi thơm lâu. Có 2 dạng bột phổ biến trên thị trường là bột phun sấy và bột hấp thụ:

  • Bột phun sấy: Dạng nhũ tương, thường chứa 20% chất thơm.
  • Bột hấp phụ: Chứa 70% chất thơm, giải phóng dược chất chậm hơn so với bột phun sấy, giữ được mùi thơm lâu. Bột hấp phụ thường được trộn với hạt trước khi dập viên.

Chất thơm khi lựa chọn cùng cần phù hợp với màu sắc của viên. Ví dụ, viên có màu đỏ thì nên lựa chọn chất thơm có mùi dâu tây,...

Ngoài việc sử dụng chất điều hương vị thì có thể sử dụng kỹ thuật bào chế vi nang, vi cầu nang nhằm mục đích che giấu mùi vị khó chịu của dược chất.

3.3 Phương pháp bào chế

Tương tự như viên nén, viên nhai có thể được bào chế theo cả 3 phương pháp:

  • Phương pháp tạo hạt ướt.
  • Phương pháp tạo hạt khô.
  • Phương pháp dập thẳng.

Tuy nhiên, để tạo ra viên có độ bền cơ học cao thì cần dùng lực lớn hơn. Đối với những viên dập từ vi nang thì cần cân nhắc tính toán được lực dập viên phù hợp, tránh tình trạng làm rách vỏ vi nang, làm lộ mùi vị của dược chất, trong quá trình sử dụng cần khuyến cáo người dùng không nên nhai quá kỹ.

3.4 Ví dụ về viên nhai

Ví dụ về viên nhai
Ví dụ về viên nhai

3.4.1 Viên nhai paracetamol

Chuẩn bị:

  • 120mg paracetamol.
  • 720mg Mannitol.
  • 6mg natri saccarin.
  • Tá dược điều hương vị và tá dược dính vừa đủ.

Cách tiến hành:

  • Chọn loại Paracetamol dạng hạt hoặc có cấu trúc tinh thể đều đặn, tạo vi nang bằng cách bao ethyl cellulose hoặc HPMC.
  • Trộn vi nang với tá dược.
  • Tạo hạt.
  • Dập viên.

3.4.2 Viên nhai kháng dịch vị

Chuẩn bị:

  • 450mg Magnesi trisilicat.
  • 200mg Nhôm Hydroxyd.
  • 300mg manitol.
  • Tá dược vừa đủ.

Cách tiến hành:

  • Trộn dược chất với manitol.
  • Xát hạt ướt với hồ tinh bột.
  • Sấy khối hạt ở 60 độ C cho đến khi khô.
  • Sửa hạt.
  • Thêm chất làm thơm.
  • Thêm tá dược điều hòa sự chảy.
  • Trộn 10 phút.
  • Để 24 giờ rồi dập viên.

Sinh khả dụng của viên nhai kháng acid dịch vị cao hơn viên uống thông thường nhưng có nhược điểm là gây cảm giác sạn trong khoang miệng, khối lượng dược chất tương đối lớn nên khó cho thêm tá dược điều vị vào trong viên.

4 Viên sủi bọt (Effervescent tablet)

Viên sủi bọt (Effervescent tablet)
Viên sủi bọt (Effervescent tablet)

4.1 Khái niệm

Viên nén có thể gây khó nuốt đối với một số bệnh nhân nhất định, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.

Do đó, nhằm mục đích khắc phục nhược điểm này, hiện nay, một số loại viên nén được bào chế khi dùng sẽ chuyển thành dạng lỏng gọi là viên sủi bọt là dạng viên pha hỗn dịch được sử dụng để uống hoặc để dùng ngoài.

4.2 Ưu nhược điểm của viên sủi bọt

Ưu điểm của viên sủi bọt so với viên nén:

  • Phù hợp với những đối tượng khó nuốt như trẻ em và người lớn tuổi.
  • Hạn chế tối đa tình trạng kích ứng niêm mạc.
  • Cải thiện sinh khả dụng.
  • CO2 được tạo ra trong quá trình sử dụng giúp che giấu được mùi vị khó chịu của dược chất.

Nhược điểm:

  • Khó khăn khi bảo quản vì cần phải tránh ẩm.
  • Không thích hợp đối với người kiêng muối hoặc bệnh nhân suy thận.
  • Một số trường hợp, viên sủi có thể gây kiềm hóa máu từ đó gây ảnh hưởng đến sự hấp thu của dược chất dùng đồng thời.

4.3 Tá dược trong viên sủi bọt

Việc lựa chọn tá dược cần phụ thuộc vào một số yếu tố:

  • Viên sủi pha hỗn dịch hay dung dịch.
  • Viên sủi sau khi pha sẽ để uống hay dùng ngoài.

Khi bào chế viên sủi, cần chú ý đến vấn đề ma sát của viên do thành phần acid hữu cơ và muối kiềm có thể gây ma sát giữa viên và thành cối trong quá trình dập viên, gây nhiều khó khăn trong quá trình bào chế. Một số biện pháp làm giảm ma sát có thể áp dụng như đánh bóng cối chày, sử dụng tá dược trơn.

Khi lựa chọn tá dược trơn cho viên sủi có nhiều khó khăn hơn so với viên nén vì cần phải có đặc điểm chống ma sát tốt nhưng vẫn phải đảm bảo viên rã nhanh, do đó nên lựa chọn các loại tá dược trơn có thể tan được trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, các loại tá dược trơn có khả năng chống ma sát tốt thì lại khó tan trong nước (muối calci, acid stearic,..)

Viên sủi pha hỗn dịch: Lựa chọn các loại tá dược trơn không thường, có thể không tan trong nước nhưng tỷ lệ không được vượt quá 1% để tránh gây ảnh hưởng đến thời gian rã của viên.

Viên sủi pha dung dịch: Lựa chọn các loại tá dược trơn có khả năng tan được trong nước.

Lượng tá dược khi đưa vào viên sủi cần phải đáp ứng 2 yêu cầu sau:

  • Đảm bảo khả năng sủi bọt của viên.
  • Tạo pH thích hợp cho dung dịch hoặc hỗn dịch sau khi sủi.

Trong quá trình bào chế viên sủi, người ta thường sử dụng tỷ lệ acid cao hơn so với muối kiềm để tạo vị chua, giúp người dùng dễ sử dụng.

Để bảo quản viên sủi một cách tốt nhất, nên bào chế trong điều kiện khí hậu được kiểm soát, độ ẩm tương đối không được quá 40 độ C. Độ ẩm lý tưởng là 25%, nhiệt độ lý tưởng là 25 độ C. Khi bào chế trong môi trường có độ ẩm cao, viên sủi có thể xuất hiện phản ứng sủi bọt.

4.4 Phương pháp bào chế

Một số phương pháp bào chế viên sủi:

Phương pháp tạo hạt ướt với nước

Đối với quy mô nhỏ, nếu sử dụng acid nitric ngâm nước, cần phải trộn các thành phần, sau đó sấy trong tủ sấy khoảng 94 đến 104 độ C nhằm giải phóng nước kết tinh

Sau khi xát hạt sơ bộ, tiến hành sấy tiếp ở nhiệt độ dưới 55 độ C rồi xát hạt lần 2

Dập viên theo kỹ thuật chung

Đối với quy mô lớn, thường sử dụng acid citric khan. Trộn bột kép, thêm nước cất tối thiểu để làm ẩm, tạo hạt nhanh và sấy nhanh để hạn chế phản ứng sủi bọt có thể xảy ra. Dập viên theo kỹ thuật chung

Tạo hạt ướt với dung dịch tá dược dính khan nước

Thường sử dụng cồn PVP, xát hạt theo kỹ thuật chung

Tạo hạt khô và dập thẳng

Khi dược chất và tá dược đều là những loại có khả năng trơn chảy tốt, có thể áp dụng phương pháp tạo hạt khô và dập thẳng

Khi tạo hạt, có thể tạo hạt chung cho cả công thức hoặc tạo hạt acid riêng, đối với hạt kiềm thì sau đó mới trộn và dập viên để hạn chế phản ứng sủi bọt

4.5 Tiêu chuẩn chất lượng

Tiêu chuẩn chất lượng được đánh giá tương tự như tiêu chuẩn chung của viên nén. Ngoài ra, cần chú ý đến một số chỉ tiêu đặc trưng như:

Độ rã

Theo Dược Điển Việt Nam II, tập 3: Cho 1 viên vào cốc có mỏ, thể tích cốc đựng là 250ml chứa 200ml nước cất ở 15 đến 25 độ C

Viên được coi là rã hết nếu không còn tiểu phân chồng chất lên nhau

Thử nghiệm với 5 viên khác. Mẫu thử đạt yêu cầu nếu mỗi viên rã trong vòng 5 phút

Xác định lượng CO2 giải phóng

Tiến hành trong một dụng cụ riêng theo nguyên tắc: Cho CO2 giải phóng từ viên tác dụng với dung dịch bari hydroxyd 0,05M

Sau đó định lượng bari hydroxyd bằng dung dịch acid oxalic

Tính lượng CO2 tham gia phản ứng

4.6 Bảo quản

Viên sủi có đặc điểm là dễ hút ẩm do đó, khi đóng gói cần phải kín, tránh ẩm. Hiện nay, khi đóng gói, người ta thường đóng gói trong những vỉ nhôm được hàn kín miệng hoặc tuýp Nhựa có chứa chất hút ẩm ở đầu nắp.

4.7 Ví dụ về viên sủi bọt

Ví dụ về viên sủi bọt
Ví dụ về viên sủi bọt

4.7.1 Viên sủi antacid

Chuẩn bị:

  • 1180mg Acid citric khan (dạng hạt).
  • 1700mg Natri hydrocarbonat (dạng hạt).
  • 175mg Natri hydrocarbonat (bột).
  • 50mg chất thơm có mùi chanh.
  • Nước cất.

Cách tiến hành:

  • Trộn acid citric với natri hydrocarbonat và chất thơm.
  • Thêm nước tối thiểu, tiến hành trộn nhanh.
  • Tạo hạt qua rây kích thước 2mm.
  • Sấy ở 70 độ C trong vòng 2 giờ.
  • Sửa hạt qua rây 1,25mm.
  • Trộn thêm bột natri hydrocarbonat.
  • Dập viên.

4.7.2 Viên rửa phụ khoa

Chuẩn bị:

  • 70mg Natri lauryl sulfat.
  • 15mg Simethicone.
  • 345mg Natri hydrocarbonat (hạt).
  • 440mg Natri dihydrophosphat khan (hat).
  • 665mg Acid citric khan.
  • 865mg Natri clorid.
  • Nước cất vừa đủ.

Cách tiến hành:

  • Tiến hành trộn Simethicone với 143g natri hydrocarbonat.
  • Sau đó, trộn tiếp acid citric với Natri clorid trong vòng 1 phút.
  • Thêm nước, trộn tiếp trong 1 phút.
  • Thêm hỗn hợp simethicon, natri dihydrophotphat, natri lauryl sulfat vào trộn trong khoảng 1 phút.
  • Dập viên.
  • Sấy viên trong 30 phút ở nhiệt độ 90 độ C.

5 Viên tác dụng kéo dài

Viên tác dụng kéo dài
Viên tác dụng kéo dài

Là loại viên nén đặc biệt, chứa dược chất cao hơn so với liều thông thường trong quy ước.

Khi sử dụng, dược chất trong viên được giải phóng một cách từ từ để nhằm mục đích kéo dài thời gian điều trị và nồng độ thuốc luôn được duy trì trong vùng điều trị từ đó làm giảm số lần dùng thuốc cho người bệnh đồng thời giảm tác dụng phụ, cải thiện hiệu quả điều trị.

Viên tác dụng kéo dài thường được sử dụng cho nhóm dược chất có tác dụng điều trị một số bệnh lý mạn tính, người bệnh phải sử dụng thuốc trong một thời gian dài như:

  • Hen phế quản.
  • Bệnh tâm thần.
  • Tim mạch - huyết áp.

Viên tác dụng kéo dài thường được sử dụng theo đường uống.

Khi sử dụng theo đường uống, người ta sẽ bào chế viên có tác dụng kéo dài trong vòng 12 giờ hoặc 24 giờ khiến số lần dùng thuốc chỉ còn 1-2 lần mỗi ngày.

Nếu tác dụng kéo dài hơn, thuốc có thể bị đào thải qua phân.

Dựa vào cấu trúc, phân chia viên tác dụng kéo dài thành các hệ:

Hệ cốt chứa những giá mang dược chất có đặc điểm là dễ tan được phân tán đều trong nước

Cốt ăn mòn

Nguyên liệu tạo cốt là các loại sáp, dầu thực vật hydrogen hóa, các acid béo, alcol béo,...

Khi ở đường tiêu hóa, tá dược này sẽ bị phân giải do men hoặc phân ly theo bậc thanh fit

Viên được ăn mòn từ ngoài và trong và giải phóng dược chất theo cơ chế từ từ

Phương pháp tạo hạt: Đun chảy tá dược, thêm bột dược chất, trộn đều, xát hạt qua rây bằng cách phun sấy lạnh

Cốt trương nở hòa tan

Nguyên liệu tạo cốt là polyme trương nở, hòa tan chậm trong nước

Khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa, các polyme này sẽ tạo thành lớp gel xung qunah tiểu phân dược chất, kiểm soát sự giải phóng dược chất

Phương pháp bào chế: Dập thẳng hoặc tạo hạt ướt

Cốt trơ khuếch tán

Nguyên liệu tạo cốt là tá dược không tan trong đường tiêu hóa như ethyl cellulose, dicalci hydrophotphat

Khi vào đường tiêu hóa, dịch tiêu hóa sẽ thấm vào viên, hòa tan dược chất rồi khuếch tán dần ra ngoài, sau đó cốt được đào thải nguyên vẹn qua đường tiêu hóa

Phương pháp bào chế: Dập thẳng

Hệ màng bao

Sự giải phóng dược chất được kiểm soát qua màng bán thấm

Khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa, nước sẽ đi qua màng bán thấm, hòa tan tá dược thẩm thấu và dược chất từ đó tạo ra áp suất thẩm thấu bên trong cao hơn bên ngoài, đẩy dung dịch dược chất đi qua lỗ khoan

5.1 Ví dụ về viên tác dụng kéo dài

Ví dụ về viên tác dụng kéo dài
Ví dụ về viên tác dụng kéo dài

5.1.1 Viên Diclofenac

Chuẩn bị:

  • Chống viêm giảm đau.
  • 10mg natri diclofenac.
  • Acid stearic, Lactose, Alcol cetostearilic, Talc vừa đủ.

Tiến hành:

  • Đun chảy acid stearic, Alcol cetostearilic.
  • Sau đó, thêm Lactose va Diclofenac vào và trộn đều.
  • Tiến hành xát hạt qua rây 1mm.
  • Thêm tá dược trơn.
  • Dập viên.

5.1.2 Viên theophylin tác dụng kéo dài

Chuẩn bị:

  • 300mg Theophylin (hạt).
  • 120mg Eudragit RS 300.
  • 80mg Avicel pH 102.
  • 10mg Explotab.
  • Magnesi stearat - talc vừa đủ.

Cách tiến hành:

  • Lựa chọn loại theophylin có kích thước từ 300 đến 800 micromet.
  • Bao tầng sôi với hỗn dịch 30% Eudragit RS 300 trong trong nước đã chứa chất làm dẻo.
  • Vi nang sau khi thu được đem trộn với Avicel, Explotab.
  • Thêm tá dược trơn.
  • Dập thẳng.

6 Viên nén phân tán trong nước

6.1 Định nghĩa 

Viên nén phân tán trong nước là cần được phân tán trong nước trước khi dùng, tạo thành một loại phân tán đồng nhất. Viên thuốc thường có kích thước nhỏ, cần một lượng ít nước để hoà tan nhưng ít hơn viên sủi, thuốc được phân tán sẽ hấp thu nhanh, phù hợp với đối tượng khó nuốt như người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Dạng bào chế này thường được thêm các chất điều vị, tạo mùi dễ uống, tiện lợi như viên sủi nhưng khắc phục được các nhược điểm của viên nén. Viên nén phân tán trong nước có thể sử dụng cho các loại thuốc không ổn định ở dạng lỏng, cần duy trì độ ổn định ở dạng bào chế rắn. Thông thường viên thuốc được hoà tan trong một lượng nước nhất định khoảng 5-50ml đợi trong khoảng 30-60s cho viên rã hoàn toàn. 

6.2 Tá dược

So với viên nén thông thường thì viên nén phân tán trong nước cần hoạt động nhanh và phân tán tốt khi tiếp xúc với nước nên các tá dược sử dụng có đặc điểm khác biệt hơn:

  • Tá dược rã: sử dụng những tá dược siêu rã như croscarmellose sodium, crospovidone, hoặc sodium starch glycolate.
  • Tá dược độn: cần tá dược hoà tan tốt trong nước như mannitol hoặc lactose
  • Tá dược trơn: Cần sử dụng tá dược trơn hòa tan trong nước như sodium stearyl fumarate, ít ảnh hưởng đến độ rã.
  • Hương liệu và chất tạo ngọt: cũng thường được thêm vào tạo cảm giác dễ chịu khi sử dụng.

6.3 Phương pháp bào chế

Tương tự như viên nén, viên nén phân tán có thể được bào chế bằng các phương pháp như

  • Phương pháp xát hạt.
  • Phương pháp dập thẳng.

6.4 Ví dụ 

Một số thuốc bào chế dạng viên nén phân tán trong nước như: Trifene (Ibuprofen), Chymodk (Alpha Chymotrypsin)...

Viên nén phân tán trong nước
Viên nén phân tán trong nước

7 Viên nén phân tán trong miệng

7.1 Định nghĩa

Viên nén phân tán trong miệng còn được gọi là viên nén hòa tan trong miệng, là những viên thuốc bị phân tán hoặc tan rã khi tiếp xúc với nước bọt, giải phóng hoạt chất. Thời gian tốt nhất để một viên nén phân tán trong miệng là ít hơn một phút. Khả dụng sinh học của thuốc có thể tăng do hấp thu qua đường uống và trước dạ dày, làm giảm quá trình chuyển hóa lần đầu ở đường tiêu hóa.[2]

Viên nén phân tán trong miệng có ưu điểm là tan nhanh vào nước bọt, tăng sinh khả dụng  và dùng dễ dàng cho những bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt như người già, nạn nhân đột quỵ và trẻ em. Ngoài ra dùng gây tê tại chỗ trong điều trị đau răng, loét miệng, mụn rộp niêm mạc…

7.2 Tá dược

Các tá dược được sử dụng trong viên nén phân tán trong miệng cơ bản chứa một chất siêu phân rã, một chất độn, một chất bôi trơn và chất tạo ngọt/ hương vị.

  • Tá dược siêu rã: Sử dụng tá dược rã nhanh như crospovidone, croscarmellose sodium để viên rã trong vài giây khi tiếp xúc với nước bọt.
  • Tá dược độn: cần tá dược hoà tan tốt trong nước như mannitol hoặc lactose.
  • Tá dược trơn hòa tan hoặc dễ phân rã, không làm ảnh hưởng đến tốc độ tan (ví dụ: sodium stearyl fumarate).
  • Tá dược làm ngọt, hương liệu: để che giấu mùi vị khó chịu của hoạt chất khi tan trong miệng.

7.3 Phương pháp bào chế

Tương tự như viên nén, viên nén phân tán có thể được bào chế bằng các phương pháp như

  • Phương pháp xát hạt.
  • Phương pháp dập thẳng.

7.4 Ví dụ

Một số thuốc bào chế dạng viên nén phân tán trong miệng như Nykob 5mg (Olanzapin), Trosicam 7,5mg (Meloxicam)

Viên nén phân tán trong miệng
Viên nén phân tán trong miệng 

8 Kết luận

Trên đây là một số viên nén đặc biệt, được bào chế nhằm tối ưu mục đích sử dụng và phù hợp với người sử dụng.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Sách Kỹ thuật bào chế và sinh dược học các dạng thuốc, tập 2 (Nhà xuất bản Y học). Siro thuốc, trang 190-202. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2024
  2. ^ Tác giả PA Hannan và cộng sự (ngày tháng 2 năm 2016) Oral Dispersible System: A New Approach in Drug Delivery System. NIH. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633