4 bước sơ cứu đúng cách khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa lên mũi - Bộ Y Tế
Trẻ sơ sinh sặc sữa lên mũi là tình trạng thường gặp và hầu hết đều không đáng ngại. Tuy nhiên việc sặc sữa với tần suất dày đặc có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy cần xử lý như thế nào khi trẻ bị sặc sữa? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn 4 bước để xử trí khi trẻ bị sặc sữa.
1 Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị sặc sữa
Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là một tình trạng khi trẻ hít phải sữa mẹ khiến sữa tràn ngược vào đường thở, khí quản hoặc thậm chí là các phế nang từ đó gây ra tình trạng cản trở quá trình trao đổi khí. Điều này có thể khiến trẻ bị thiếu Oxy từ đó gây khó thở, tím tái thậm chí là đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Nguyên nhân của tình trạng này thường là do thói quen vừa ăn vừa ngủ của trẻ sơ sinh. Trẻ thường xu hướng ngậm sữa trong miệng nhưng lại không nuốt. Khi ngủ, các cơ hô hấp thông thường được thả lỏng lên khi trẻ thở mạnh sẽ vô tình khiến sữa đưa lên mũi và chảy ngược vào khí quản. Trường hợp này cũng được bắt gặp nhiều ở trẻ bú bình đặc biệt là khi dùng các loại bình có lỗ ở đầu núm vú quá to khiến lượng sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ không nuốt kịp dẫn đến bị sặc sữa lên mũi và thở khò khè.
2 Trẻ sơ sinh hay bị sặc sữa có sao không?
Trẻ sơ sinh sặc sữa lên mũi là tình trạng thường gặp và hầu hết các trường hợp đều tương đối nhẹ cũng như không đáng ngại. Tuy nhiên việc sặc sữa với tần suất dày đặc có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Đặc biệt khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa nhưng không được sơ cứu kịp thời có thể gây ra tình trạng thiếu oxy và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
Việc này cũng khiến bé trở lên khó chịu, nôn trớ liên tục gây bất tiện cho việc chăm sóc cũng như vệ sinh cho trẻ. Ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa cũng như quá trình phát triển thể chất của trẻ. Có không ít trường hợp trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng nguy kịch khi sặc sữa do sơ cứu không kịp thời hoặc sai cách. Vậy, mỗi bậc cha mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức để sẵn sàng xử trí khi trẻ bị sặc sữa.[1].
3 Cách sơ cứu trẻ bị sặc sữa
Cách xử lý khi bé bị sặc sữa là gì? Đầu tiên cha mẹ hoặc người chăm sóc cần ngay lập tức lấy sữa ra khỏi đường hô hấp của trẻ, sao cho càng nhanh càng tốt. Việc hút chậm có thể làm tăng nguy cơ sữa đi sâu vào hệ thống đường hô hấp dưới, gây khó khăn trong việc loại bỏ sữa. Sau khi đã loại bỏ được sữa trong đường thở của trẻ, thì có thể tiếp tục hút sữa còn đọng lại ở mũi và họng của trẻ. Trong trường hợp trẻ bị tắc đường thở thì khả năng cứu chữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn cũng như rủi ro.
Bước 2: sau khi hút xong cần kích thích mạnh trẻ để trẻ khóc lên, điều này nhằm giúp loại bỏ hết các dị vật còn đọng lại ở đường hô hấp. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.
Bước 3: Nếu sau khi hút sữa mà trẻ vẫn có hiện tượng tím tái thì cần nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp xuống, đầu trẻ khẽ cúi xuống và gối lên cánh tay người mẹ. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh liên tiếp vào lưng (vị trí ở giữa hai xương bả vai) khoảng 5 cái. Tiến hành lật người trẻ lại rồi quan sát.
Bước 4: Trong trường hợp thấy trẻ vẫn còn hiện tượng tím tái thì cần ấn liên tiếp 5 cái vào nửa dưới ngực trẻ - vị trí dưới xương ức và giữa hai bên ngực. Quan sát trẻ, nếu thấy vẫn còn tình trạng khó thở thì cần thực hiện lại động tác trên 6 lần liên tục (mỗi lần ấn 5 cái). Nếu thấy trẻ khóc được và đã hết tím tái thì có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi sức khỏe.
Sơ cứu trẻ bị sặc sữa là một điều hết sức cần thiết và quan trọng, việc sơ cứu chậm hoặc không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng thậm chí là đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Cẩm nang “Chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kỷ nguyên 4.0" - Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em