11 công ty vi phạm an toàn thực phẩm, bị phạt gần 1 tỷ đồng
Trungtamthuoc.com - TPBVSK (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe) ngày càng trở nên phổ biến, và đang là điểm đến của nhiều công ty dược. Đây dường như là một thị trường màu mỡ để phát triển. Vì nó thuộc quản lý của cục an toàn thực phẩm nên việc kiểm duyệt, kiểm soát còn đang lỏng lẻo và để nhiều sơ hở cho những những sản phẩm giả, sản phẩm không đạt chất lượng tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
1 11 công ty vi phạm an toàn thực phẩm, bị phạt gần 1 tỷ triệu đồng
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định xử phạt đối với 11 công ty vi phạm về buôn bán TPBVSK chứa chất cấm, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh...
Theo đó, tổng số tiền phạt đối với 11 công ty là gần 1 tỷ đồng. Ngoài bị phạt tiền, các công ty này còn phải thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin...
1.1 Công ty cổ phần Dược phẩm Linh Đạt
Trong số những công ty bị xướng tên, Công ty cổ phần Dược phẩm Linh Đạt có trụ sở tại tỉnh Hưng Yên bị phạt nặng nhất, với số tiền bị phạt lên tới hơn 287 triệu đồng. Nguyên nhân được biết là do hai lô hoạt huyết dưỡng não - Rasmuseld và thực phẩm giảm cân Kezakold có chất lượng không đúng với các tiêu chuẩn đã công bố.
1.2 Công ty cổ phần Dược phẩm Sao Kim
Công ty cổ phần Dược phẩm Sao Kim, địa chỉ tại Mê Linh, Hà Nội, bị xử phạt 163 triệu đồng. Lỗi bị phạt do sản xuất và lưu hành 2 lô tăng cường sức khỏe nam giới Kỳ Dương Đan không đảm bảo tiêu chuẩn như đã công bố. Kiểm nghiệm trong thành phần thấy xuất hiện Homosildenafin - đây là một chất cấm sử dụng trong thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm sinh lý dành cho các quý ông, bởi vì chất này làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
1.3 Công ty TNHH Mat Xi S.G
Công ty TNHH Mat Xi S.G có địa chỉ tại tỉnh Đồng Nai, đã bị xử phạt 160 triệu đồng. Nguyên nhân liên quan đến việc không công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với 3 lô thực phẩm giảm cân Golean Detox, vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với 4 lô sản phẩm Golean Detox. Các lô sản phẩm này đã được phát hiện có sự xuất hiện có sự xuất hiện của chất cấm Sibutramine - chất này đã bị FDA liệt vào danh sách những chất không được phép sử dụng trong thực phẩm hay dược phẩm. Sibutramine là một chất khiến cho người sử dụng giảm được cảm giác thèm ăn, không còn hào hứng với đồ ăn, có thể hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên hậu quả mà nó để lại khôn lường, nó gây tình trạng căng thẳng, mất ngủ, tăng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
1.4 Công ty cổ phần Tập đoàn thương mại dịch vụ Cash 13
Công ty cổ phần Tập đoàn thương mại dịch vụ Cash 13 (Hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng. Liên quan đến sự việc quảng cáo Viên ngậm Bổ phế khang, glucosamin khớp Thảo Đan và Curcumin Dạ an vị. Nội dung quảng cáo không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, quảng cáo láo, gây hoang mang cộng đồng.
1.5 Công ty cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam
Công ty cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam tại Hà Nội cũng bị phạt 50 triệu đồng do nội dung quảng cáo viên uống hỗ trợ tiểu đường Diabet Dream trên website gây hiểu nhầm, khiến người dân nhầm tưởng nó có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
1.6 Công ty cổ phần Dược Phúc Vinh
Công ty cổ phần Dược Phúc Vinh (Hà Nội) quảng cáo thực phẩm Giảm cân PV, Bổ thận PV trên website trong khi nội dung chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, bị xử phạt hành chính 35 triệu đồng.
1.7 Công ty cổ phần Dược vật tư Y tế Hải Dương
Lô sản phẩm Mãnh lực do Công ty cổ phần Dược vật tư Y tế Hải Dương sản xuất, kiểm nghiệm trong thành phần có xuất hiện chất cấm Hydroxyhomosildenafin, do đó công ty này bị Cục ATTP xử phạt 30 triệu đồng.
1.8 Công ty Dược phẩm và thương mại Phương Đông
Công ty Dược phẩm và thương mại Phương Đông, có địa chỉ tại tỉnh Bắc Ninh, cũng bị xử phạt 30 triệu đồng. Nguyên nhận bị xử phạt do sản xuất hoạt huyết dưỡng não Rasmuseld và Kezakold có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
1.9 Công ty TNHH phát triển thương mại Hưng Thịnh Phát
Công ty TNHH phát triển thương mại Hưng Thịnh Phát, có địa chỉ tại Hà Nội vi phạm yêu cầu về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm Pracare-Nano, Bogavip new và Oba trí não. Do đó bị xử phạt trên 27 triệu đồng.
1.10 Công ty TNHH Reliv Healthcare
Công ty TNHH Reliv Healthcare (TP. Hồ Chí Minh) quảng cáo thực phẩm Viên uống trắng da Neuglow C trên các website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, vì vậy bị xử phạt 25 triệu đồng.
1.11 Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư thương mại Thiên Phú
Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư thương mại Thiên Phú (Hà Nội) vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô Hoạt huyết An thần khang, đồng thời công ty này bán lô sản phẩm Mãnh lực có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng (trong thành phần có Hydroxyhomosildenafin nhưng không được công bố). Do đó, công ty bị Cục xử phạt gần 5 triệu đồng.
Thời gian qua, Cục ATTP (Bộ Y tế) liên tục đưa ra các cảnh báo đối với người tiêu dùng, khuyến nghị người dân cần thận trọng với những lời quảng cáo có cánh như tác dụng nhanh, tức thì...
Tất cả những xử phạt trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rất nhiều các sản phẩm không rõ nguồn gốc, rất nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng đang trôi nổi trên thị trường.
Các công ty cố tình vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, thu hồi sản phẩm, còn với người tiêu dùng thì sao, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả mà những sản phẩm đó gây ra đến hết đời. Vấn đề nằm ở đạo đức và lương tâm của những người luôn lợi dụng tâm lý của người dân để trục lợi.
Trước khi sử dụng bất cứ thực phẩm chức năng nào, cần tìm hiểu kỹ, cần thiết hỏi chuyên gia y tế, những người có chuyên môn để được tư vấn. Đừng bao giờ tự ý mua sản phẩm được quảng cáo trên mạng về dùng để tránh tiền mất tật mang.