1. Trang chủ
  2. Cơ Xương Khớp
  3. Các dấu hiệu nhận biết sớm nhất cảnh báo bệnh lý xương khớp

Các dấu hiệu nhận biết sớm nhất cảnh báo bệnh lý xương khớp

Các dấu hiệu nhận biết sớm nhất cảnh báo bệnh lý xương khớp

Trungtamthuoc.com - Nếu như trước kia, bệnh xương khớp thường xảy ra ở người cao tuổi thì ngày nay, căn bệnh này đang có chiều hướng trẻ hóa. Bệnh xương khớp nếu không được điều trị sớm và kịp thời có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Để hiểu rõ hơn về kiến thức bệnh cũng như các thuốc điều trị bệnh xương khớp hiệu quả, mời quý bạn đọc cùng theo dõi thông tin trong nội dung bài viết dưới đây.

1 Bệnh xương khớp và những điều cần biết

1.1 Đại cương về hệ xương khớp ở người

Các xương trong cơ thể được nối với nhau bởi các khớp tạo nên hệ xương khớp là bộ khung nâng đỡ cơ thể. 

Bộ xương người gồm 206 xương, ngoài nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể, xương có có vai trò như tạo máu, dự trữ mỡ, muối khoáng, dự trữ canxi, phospho cho cơ thể. Khi hệ xương mất dần các chất dự trữ có thể gây nên các bệnh như loãng xương, xương giòn dễ gãy,...

Trong cơ thể có 3 loại khớp được phân loại dựa vào mức độ vận động của nó: khớp bất động (khớp nối vòm sọ), khớp bán động (khớp mu, khớp nối các đốt sống của cột sống), khớp động (các khớp vai, khớp chân, khớp tay,...). Trong đó khớp bán động và khớp động là 2 loại khớp phải hoạt động nhiều nên nhanh chóng bị bào mòn, thoái hóa gây nên các bệnh về khớp. 

Hệ thống xương khớp của cơ thể 

Xương cấu tạo từ cốt giao và Muối Khoáng (chủ yếu là muối của Canxi). Thiếu Canxi gây nên các bệnh về xương, người già xương bị phân hủy nhanh hơn tốc độ tạo thành nên xương xốp, giòn, dễ gãy, khô khớp, vận động chậm chạp, khó khăn.

Sụn khớp có thành phần chủ yếu là proteoglycan và collagen. 

Proteoglycan là thành phần cấu tạo nên sụn khớp, giúp ức chế enzyme lactase- là enzym gây thoái hóa sụn khớp. Bổ sung các sản phẩm cung cấp proteoglycan giúp tái tạo lại mô sụn bị thoái hóa và  ngăn ngừa thoái hóa sụn. 

Collagen trong sụn là dạng Collagen type II, dạng collagen này đan vào nhau tạo nên cấu trúc lưới giúp duy trì độ dẻo dai cho các khớp, giúp giảm đau khớp khi vận động, ngoài ra chất này còn tham gia vào sự phát triển chiều cao trong cơ thể. Khi thiếu collagen, dễ mắc các bệnh như khô khớp, thoái hóa khớp, đau khớp và khó vận động. 

1.2 Bệnh xương khớp là gì? 

Bệnh xương khớp là tên gọi chung của các bệnh lý xương khớp. Đây là bệnh liên quan đến hệ thống cơ, xương và khớp với tình trạng cấp hoặc mãn tính. Bệnh xương khớp nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và hoạt động hằng ngày, thậm chí có thể để lại di chứng nặng nề. 

Bệnh xương khớp
Bệnh xương khớp

1.3 Các yếu tố nguy cơ 

Bệnh xương khớp xuất hiện ở mọi lứa tuổi cũng như giới tính và gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, các bệnh lý này thường dễ xuất hiện khi có các yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi già, thừa cân/béo phì, lao động nặng...

  • Ảnh hưởng bởi tuổi tác: Đây là nguyên nhân đau nhức xương khớp hàng đầu. Tuổi cao khiến quá trình lão hóa của cơ thể diễn ra nhanh hơn, từ đó, hệ thống xương khớp cũng bị ảnh hưởng. Các lớp sụn quanh khớp bị mỏng đi, gây ma sát mạnh hơn khi vận động, từ đó sụn khớp dễ bị tổn thương, sưng đau, lâu dần suy yếu gây thoái hóa.
Bệnh xương khớp thường gặp ở người già
Bệnh xương khớp thường gặp ở người già
  • Thừa cân, béo phì: ở những người thừa cân, béo phì, các khớp chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể, đặc biệt là vùng cột sống và đầu gối, khiến dây chằng bị tổn thương, dẫn tới viêm khớp, thoái hóa hớp.
  • Lao động sinh hoạt hằng ngày: bê vác vật nặng, ngồi sai tư thế, đứng lâu 1 tư thế, ngồi nhiều một chỗ khiến cơ xương khớp bị co cứng, cản trở máu lưu thông nuôi dưỡng sụn khớp, làm gia tăng nguy cơ viêm khớp, thoái hóa khớp.
Bê vác vật nặng làm gia tăng nguy cơ bệnh xương khớp
Bê vác vật nặng làm gia tăng nguy cơ bệnh xương khớp
  • Ít vận động: với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì con người ngày càng ít vận động, do đó càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, béo phì, trong đó bao gồm cả bệnh lý về xương khớp.  
  • Di truyền: yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân mắc các bệnh xương khớp. Nếu người trong gia đình có tiền sử mắc bệnh lupus ban đỏ thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh này.
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học: thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu hụt canxi khiến mật độ xương giảm, tăng nguy cơ thóa hóa.

1.4 Triệu chứng chung của bệnh xương khớp

Bệnh xương khớp tiến triển một cách âm ỉ. Trong giai đoạn đầu khi mới khởi phát, bệnh thường không có dấu hiệu rõ rệt. Đến giai đoạn tiến triển, các triệu chứng của bệnh xương khớp mới được bộc lộ rõ, một số dấu hiệu có thể nhận biết như:

  • Đau nhức xương khớp: là triệu chứng điển hình nhất, tùy thuộc vào vị trí cũng như tình trạng bệnh mà mức độ đau sẽ khác nhau. Mức độ đau tăng dần khi vận động, khi thay đổi thời tiết hoặc về đêm.
  • Cứng khớp: Khớp bị viêm gây cảm giác co cứng, khó cử động. Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Cứng khớp cũng có thể xảy ra sau một khoảng thời gian không vận động.
  • Cảm nhận độ mài mòn khớp: sụn khớp bị bào mòn, lớp nhân nhầy và bao xơ bao phủ khớp bị mất đi khiến khớp di chuyển không trơn tru. Do đó, người bệnh có thể nghe thấy âm thanh thô ráp mỗi khi vận động.
  • Sưng, đỏ quanh khớp: đây là dấu của bệnh viêm khớp. Tùy vào tình trạng của viêm khớp, mức độ sưng, đỏ, đau sẽ khác nhau.
Cứng khớp, sưng đỏ quanh khớp,... là dấu hiệu của bệnh xương khớp
Cứng khớp, sưng đỏ quanh khớp,... là dấu hiệu của bệnh xương khớp
  • Yếu cơ: Bệnh xương khớp gây đau nhức nên người bệnh thường nghỉ ngơi một chỗ. Điều này vô tình khiến cho các cơ xung quanh khớp bị suy yếu, thậm chí có thể bị teo cơ do máu không được lưu thông tốt.
  • Biến dạng khớp: Bệnh tiến triển tới mức độ nặng, hệ thống xương khớp bị tổn thương nghiêm trọng, sụn bị bào mòn dẫn tới biến dạng. Đầu xương có thể lệch ra ngoài gây đau đớn cho người bệnh.
  • Dấu hiệu khác: mệt mỏi, sốt, mất ngủ,... là một số dấu hiệu toàn thân của người mắc bệnh xương khớp.

2 Các bệnh xương khớp thường gặp 

2.1 Viêm khớp

Viêm khớp là tình trạng lớp đệm của sụn khớp bị tổn thương, viêm nhiễm, bào mòn gây sưng đau ở vùng quanh khớp. Viêm xương khớp thường gặp ở các khớp bàn tay, khớp gối, khớp háng,... khiến các khớp khó chuyển động, biến dạng,... Bệnh gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng hay gặp nhất vẫn là người cao tuổi.

Các loại viêm khớp phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Viêm xương khớp khiến sụn - mô cứng, trơn, bao bọc các đầu xương nơi chúng tạo thành khớp - bị phá vỡ.

2.2 Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý viêm xương khớp mạn tính, được gây ra bởi sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch. Đây là một rối loạn tự miễn dịch, viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công nhầm vào các mô của chính cơ thể bạn.

Khác với các loại tổn thương do quá trình bào mòn của viêm xương khớp gây ra, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến lớp niêm mạc của khớp, gây sưng đau, cuối cùng có thể dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ trước, chẳng hạn như khớp ngón tay và khớp ngón chân. Khi bệnh tiến triển thêm đồng nghĩa với số lượng khớp bị viêm tăng lên và lan rộng, thường có tính đối xứng. 

Ngoài các triệu chứng sưng, đau và biến dạng khớp, viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây ra một số triệu chứng trên các cơ quan khác của cơ thể như da, mắt, phổi, tim, thận, tủy xương, mạch máu...

Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp 

Một số cách để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp mà các bác sĩ thường sử dụng gồm xét nghiệm máu và chụp X-quang. Kết quả xét nghiệm máu của những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường có tỷ lệ lắng đọng hồng cầu tăng cao hoặc mức protein phản ứng C (CRP), cho thấy quá trình viêm đang diễn ra trong cơ thể. Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số xét nghiệm khác như xét nghiệm tìm kiếm yếu tố thấp khớp và kháng thể peptide peptide chống chu kỳ. Việc chụp X-quang có thể giúp các bác sĩ theo dõi được tình trạng cũng như sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Trong khi đó, chụp cắt lớp máy vi tính và siêu âm lại giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nhằm cải thiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa biến dạng khớp tiến triển, các bác sĩ thường kê cho bệnh nhân các thuốc giúp chống viêm giảm đau như thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống viêm steroid và các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Ngoài ra, việc sử dụng các biện pháp trị liệu cũng giúp các khớp bị viêm được linh hoạt hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.

2.3 Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là sự mất cân bằng của tổ chức sụn và tổ chức khớp, quanh khớp. Nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng này là do nhiều yếu tố như tuổi tác, di truyền, phát triển, chuyển hóa, chấn thương dẫn đến lão hóa, bào mòn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn. Theo thời gian, phần sụn đệm ở các đầu khớp bị thoái hóa dần, xẹp dần, dẫn đến làm giảm ma sát giữa các khớp, dần dần ảnh hưởng đến toàn bộ khớp. 

Thoái hóa khớp thường có triệu chứng tiến triển chậm và nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu cũng như các triệu chứng hay gặp nhất trong thoái hóa khớp bao gồm:

  • Đau khớp, đặc biệt là khi vận động mạnh.
  • Cứng khớp sau một thời gian dài không vận động hoặc sáng sớm sau khi ngủ dậy.
  • Sưng khớp trong trường hợp thoái hóa khớp đi kèm với viêm.
  • Thiếu tính linh hoạt của khớp, khó cử động khớp.

2.4 Thoát vị đĩa đệm

Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, được cấu tạo bởi nhân nhầy và bao xơ có nhiệm vụ co giãn giúp các đốt xương hoạt động trơn tru. Thoát vị đĩa đệm là khi đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí bình thường do bao xơ bị rách, nhân nhầy thoát ra gây chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh xung quanh. Thoát vị đĩa đệm nếu phát hiện muộn sẽ gây tái phát nhiều lần và ngày càng nặng, gây ra đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng vận động. [1] 

Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở vùng lưng dưới, nhưng cũng có thể xuất hiện ở vùng cổ. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm xảy ra tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoái hóa và có hay không việc dây thần kinh bị đĩa đệm chèn lên. Điểm khác biệt với một số bệnh xương khớp khác là thoát vị đĩa đệm chỉ ảnh hưởng tới một bên của cơ thể.

Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng nhiều đến đời sống hàng ngày. Nếu bạn thoát vị đĩa đệm vùng lưng dưới, bạn có thể đau cả vùng chậu, thậm chí lan xuống đùi và bắp chân; ngược lại, nếu bạn thoát vị đĩa đệm vùng cổ, bạn có thể đau cả bả vai và cánh tay. Một số trường hợp bị thoát vị đĩa đệm không triệu chứng, người bệnh chỉ phát hiện ra mình bị bệnh khi bác sĩ nhìn thấy dấu hiệu trên hình ảnh cột sống.

Thoát vị đĩa đệm
Bệnh thoát vị đĩa đệm

2.5 Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là bệnh mãn tính, tiến triển chậm và thường xảy ra ở cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, liên quan tới tư thế vận động. Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể gây chèn ép thần kinh, biến dạng cột sống, thoái hóa sụn khớp hoặc đĩa đệm cột sống,... 

Thoái hóa cột sống thường liên quan đến tuổi già, nhưng cũng có thể là kết quả của một khối u, viêm khớp hay nhiễm trùng. Áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh do thoái hóa cũng có thể dẫn đến thoái hóa cột sống. Các triệu chứng thường thấy của thoái hóa cột sống bao gồm: biến dạng cột sống, chuyển động hạn chế/kém linh hoạt, đau đớn (cấp hoặc mãn tính, khi di chuyển/nghỉ ngơi), chấn thương dây thần kinh (mất cảm giác, rối loạn chức năng tình dục...).

Các tình trạng thoái hóa cột sống thường được xác định thông qua các hình ảnh chụp cột sống. Các hình ảnh có thể thu được từ chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ hạt nhân hoặc chụp cắt lớp máy tính để xem cột sống, đĩa đệm, dây thần kinh cũng như không gian ống sống. Ngoài việc sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm, điều trị bằng các phương pháp trị liệu sẽ góp phần giúp cải thiện chức năng cột sống một cách tốt nhất.

Bệnh thoái hóa cột sống
Bệnh thoái hóa cột sống

2.6 Gai cột sống

Gai cột sống là biến thể của thoái hóa cột sống, đặc trưng bởi các mỏm gai hình thành phía ngoài xung quanh cột sống gây chèn ép các rễ thần kinh, chèn ép mạch máu. Bản chất của gai cột sống là do viêm cột sống, chấn thương hay lắng tụ canxi trên các dây chằng cột sống. Hiện nay, gai cột sống đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen sống và sinh hoạt chưa khoa học ở giới trẻ.

2.7 Đau thần kinh tọa

đau thần kinh tọa là cơn đau liên quan đến dây thần kinh hông to. Biểu hiện là đau lan tỏa kéo dài từ cột sống thắt lưng xuống hông, mặt đùi và chân. Vị trí tổn thương khác nhau sẽ có hướng lan khác nhau.

Đau thần kinh tọa được xác định là do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới đau thần kinh tọa, bao gồm xương đè lên cột sống hoặc hẹp cột sống, gây ra chèn ép một phần dây thần kinh. 

Dấu hiệu dễ thấy nhất của đau thần kinh tọa là cơn đau lan từ thắt lưng qua mông, xuống đến mặt sau của chân. Mức độ đau có thể khác nhau, từ đau nhẹ đến đau nhói hoặc đau dữ dội. Đôi khi sẽ có cảm giác tê ran như điện giật. Thường đau thần kinh tọa chỉ xảy ra ở một bên của cơ thể. 

Bệnh đau thần kinh tọa
Bệnh đau thần kinh tọa

2.8 Bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương, điển hình bởi sự suy giảm mật độ và chất lượng của xương, từ đó làm tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương thường không có triệu chứng cụ thể và chỉ xuất hiện các triệu chứng điển hình khi bệnh chuyển nặng.

Trong chu trình phát triển của xương, mất xương là một giai đoạn bình thường; tuy nhiên, khi mất xương diễn ra nhanh hơn so với bình thường sẽ dẫn tới nguy cơ loãng xương và dễ gãy xương. Loãng xương thường có biểu hiện rõ ràng hoặc gây đau đớn cho đến khi bạn bị gãy xương. Gãy xương thường là dấu hiệu đầu tiên nhưng việc xuất hiện tư thế khom lưng ở người cao tuổi cũng là biểu hiện của loãng xương do tuổi tác. 

Chúng ta có thể bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho xương như calci, Vitamin D3... nhằm làm chậm lại quá trình loãng xương. Ngoài ra, bạn cũng nên có chế độ tập thể dục, ăn uống điều độ, bổ sung thực phẩm tốt cho xương và thay đổi lối sống lành mạnh hơn.

Bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương

2.9 Bệnh Gout

Nguyên nhân gây ra bệnh Gout là chuyển hóa nhân purin trong thận. Thông thường, acid uric hòa tan trong máu rồi được bài tiết qua thận để đi vào nước tiểu. Trong một số trường hợp, như cung cấp quá nhiều thực phẩm giàu purin hoặc rối loạn chuyển hóa purin, thận không đào thải hết được lượng acid uric trong máu gây tích trữ trong cơ thể và lắng đọng tại các khớp, gây ra những đợt viêm khớp cấp tái phát. Vị trí viêm khớp thường gặp là ở ngón chân và ít gặp hơn ở các vị trí khác.

Bệnh Gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Gout có dấu hiệu đặc trưng là các cơn đau đột ngột, dữ dội, kèm theo sưng, đỏ ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân. Những người bị Gout thường phải hứng chịu những cơn Gout cấp với mức độ đau nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. 

Điều trị Gout nhờ các thuốc chống viêm, giảm đau và các thuốc phòng ngừa biến chứng của Gout thông qua cơ chế giảm nồng độ acid uric trong máu. Các thuốc kháng viêm thường gặp là kháng viêm không steroid, kháng viêm steroid và Colchicine. Trong khi đó, các thuốc giúp điều chỉnh mức acid uric trong máu bao gồm thuốc đào thải acid uric (probenecid) và thuốc ngăn ngừa sản xuất acid uric (AllopurinolFebuxostat).

Bệnh Gout
Bệnh Gout

Bệnh Gout là bệnh mãn tính, nếu không được điều trị sớm, acid uric lắng đọng càng nhiều thì dễ có nguy cơ gây bệnh viêm thận, sỏi thận,...

3 Điều trị bệnh xương khớp bằng cách nào? 

3.1 Điều trị triệu chứng bằng thuốc 

Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm. Tùy thuộc vào mức độ cơn đau và sức khỏe của người bệnh sẽ được chỉ định dùng các thuốc phù hợp.

Thuốc uống giảm đau như: thuốc giảm đau thông thường điển hình là Paracetamol. Có tác dụng giảm đau nhanh trong các trường hợp đau nhẹ. Nếu bệnh nhân phẫu thuật về xương khớp sẽ được dùng các loại thuốc giảm đau mạnh như Morphin, codein kèm thuốc tê theo chỉ định của bác sỹ. 

Các thuốc giảm đau, chống viêm, hạ sốt NSAID dạng uống: ngoài phản ứng viêm, đau tại chỗ khớp xương bị viêm, người bệnh còn có triệu chứng sốt. Các thuốc nhóm này như Meloxicam, Piroxicam, Celecoxib, Ibuprofen, diclofenac( voltaren)

Gel bôi giảm đau: đây là các thuốc dạng gel hoặc kem, có tác dụng tại chỗ, bôi lên các vị trí khớp đau và sưng có tác dụng giảm đau, giảm viêm, giảm sưng tấy như Voltaren, wellhot, nociceptol. 

Corticosteroid: đây là nhóm thuốc có công dụng chống viêm do tác động vào nhiều  giai đoạn khác nhau của quá trình viêm, ví dụ cortison, prednisolon, methylprednisolon, betamethasone,...

Kháng sinh: trong trường hợp chấn thương, viêm có nhiễm trùng có thể cần dùng đến kháng sinh để tiêu diệt mầm bệnh gây nhiễm trùng như Ciprofloxacin, Clindamycin,...

3.2 Cải thiện bệnh xương khớp nhờ các vị thuốc cổ truyền 

Bên cạnh sử dụng thuốc tây trị đau nhức xương khớp, thuốc đông y cũng được sử dụng phổ biến bởi tính an toàn của các vị dược liệu mang lại. Dưới đây là một số dược liệu thường xuất hiện trong các bài thuốc điều trị bệnh xương khớp được các bác sĩ đông y khuyên dùng. [2] 

Lá lốt: có công dụng ôn trung, tán hàn hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp như thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa,... đặc biệt đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi.

Chữa đau nhức xương khớp từ lá lốt
Chữa đau nhức xương khớp từ lá lốt

Ngải cứu: là cây thuốc nam được sử dụng rộng rãi cho người bệnh đau nhức xương khớp do phong hàn, sưng đau khớp, cứng khớp khó vận động, tê bì tay chân,...

Dây đau xương: có tác dụng thư cân hoạt lạc, trừ thấp, khu phong, mạnh gân cốt, trị đau nhức xương khớp, tê thấp, đau lưng mỏi gối.

Thiên niên kiện: có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau, thông kinh hoạt lạc thường được sử dụng cho người có hội chứng bế phong, đau nhức xương khớp, ứ huyết, đau dây thần kinh, đau khớp vai cổ,...

Đỗ trọng: có tác dụng hoạt gân cốt, giảm đau lưng, đau chân gối, tràn dịch khớp, hiệu quả tốt trong hỗ trợ điều trị viêm khớp.

Hy thiêm: chứa thành phần Darutin rất quan trọng trong điều trị bệnh về cơ - xương khớp. Darutin có tác dụng chống viêm và làm giãn cơ, điều trị đau cơ, xương khớp, thoái hóa cột sống và các bệnh lý xương khớp khác.

Trinh nữ: trong đông y, cây trinh nữ có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng chống viêm, làm giảm các cơn đau nhức xương khớp, chân tay tê bì.

Trinh nữ hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp
Trinh nữ hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp

Sử dụng các cây thuốc nam trong điều trị bệnh xương khớp được đánh giá là an toàn nhưng có hiệu quả chậm, cần kiên trì sử dụng dài ngày. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc nam trong điều trị bệnh xương khớp:

  • Cần xác định nguyên nhân gây bệnh, tốt nhất nên trao đổi và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thảo dược nào. 
  • Ngưng sử dụng thuốc nam nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình điều trị.
  • Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, trẻ em hoặc người có vấn đề về gan thận.
  • Không tự ý kết hợp thuốc tây và thuốc nam hoặc tự ý thay thế thuốc nam bằng các thuốc kê đơn của bác sĩ.
  • Không nên lạm dụng chữa bệnh xương khớp từ thuốc nam. Sử dụng cây thuốc nam chỉ áp dụng cho các trường hợp đau nhức nhẹ, đau do thay đổ thời tiết,... Đối các trường hợp nặng, đau nhức kéo dài, người bệnh nên đi khám để được điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

4 Cách phòng ngừa và kiểm soát bệnh xương khớp 

Có nhiều cách phòng ngừa bệnh xương khớp cho mọi lứa tuổi ngay từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số phương pháp giúp phòng ngừa bệnh xương khớp hiệu quả.

  • Chế độ dinh dưỡng: một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết làm tăng độ dẻo dai, sức bền xương khớp, ngăn ngừa thoái hóa khớp. Canxi là thành phần không thể thiếu cho hệ xương khớp, phòng các bệnh như viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương,... Vì vậy, chúng ta nên bổ sung canxi hằng ngày từ các thực phẩm chứa nhiều canxi như tôm, cua, cá, sữa,...
  • Ngoài ra, người mắc các bệnh xương khớp nên kiêng ăn các loại nội tạng động vật, đồ ăn nhanh và dầu mỡ, rượu bia hoặc các chất kích thích,... Những thực phẩm và đồ uống này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp, gout,... 
Canxi là thành phần không thể thiếu cho hệ xương khớp
Canxi là thành phần không thể thiếu cho hệ xương khớp
  • Giảm cân và tập thể dục đều đặn: kiểm soát cân nặng giúp giảm áp lực lên các khớp. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp chúng ta ngăn ngừa cứng khớp, các tổn thương xương khớp. Nên bắt đầu từ các bài tập nhẹ nhàng, sau đó tăng dần phù hợp với từng cá nhân, không nên tập ngay từ đầu những bài tập quá sức.
  • Chế độ sinh hoạt và làm việc: Tránh các tư thế không phù hợp hoặc các động tác đột ngột khi sinh hoạt, làm việc. Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ, điều này ảnh hưởng tới khả năng chịu đựng của xương khớp. Hãy thay đổi tư thế thường xuyên để giúp các khớp xương được linh hoạt.
Giảm cân, tập thể dục đều đặn và có chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý phòng nguy cơ gây bệnh xương khớp
Giảm cân, tập thể dục đều đặn và có chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý phòng nguy cơ gây bệnh xương khớp
  • Giữ ấm xương khớp khi thay đổi thời tiết: bảo vệ xương khớp khi thời tiết trở lạnh cũng là cách ngăn chặn các cơn đau nhức xương khớp, cứng khớp.

Ngoài ra, khi gặp các dấu hiệu bất thường về xương khớp, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh để quá lâu gây ảnh hưởng tới sức khỏe và biến chứng nguy hiểm. [3] 

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 19 tháng 7 năm 2019), Arthritis, Mayo Clinic. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2021
  2. ^  Thanh Thủy (Ngày đăng 16 tháng 12 năm 2019), Phòng bệnh khớp mùa lạnh và khi chuyển mùa, Sở y tế Hà Nội. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2021
  3. ^  Jennifer Robinson (Ngày đăng 17 tháng 11 năm 2020), Arthritis Drug Overview, WebMD. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Tôi bị thoái hóa khớp, nhà thuốc cho hỏi dùng loại thuốc nào hiệu quả?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Các dấu hiệu nhận biết sớm nhất cảnh báo bệnh lý xương khớp 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Các dấu hiệu nhận biết sớm nhất cảnh báo bệnh lý xương khớp
    DL
    Điểm đánh giá: 5/5

    Bài viết hữu ích, thông tin dễ hiểu, giúp tôi hiểu rõ hơn về bệnh và các nhóm thuốc điều trị

    Trả lời Cảm ơn (12)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633