1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Dược lý về nhóm thuốc ức chế hệ adrenergic (thuốc hủy giao cảm)

Dược lý về nhóm thuốc ức chế hệ adrenergic (thuốc hủy giao cảm)

Dược lý về nhóm thuốc ức chế hệ adrenergic (thuốc hủy giao cảm)

Trungtamthuoc.com - thuốc hủy giao cảm là các thuốc có tác dụng ngăn cản một số tác dụng khi kích thích hệ giao cảm hoặc hạn chế tác dụng của các thuốc cường giao cảm. Thuốc ức chế trực tiếp receptor adrenergic hoặc gián tiếp làm giảm lượng catecholamin ở synap thần kinh của hệ adrenergic.

1 Đại cương thuốc ức chế hệ adrenergic (thuốc hủy giao cảm)

Thuốc ức chế hệ adrenergic (thuốc hủy giao cảm) được phân loại thành 3 nhóm chính như sau: 

Thuốc ức chế trực tiếp hệ alpha-adrenergic

  • Alkaloid cựa lõa mạch: Ergotamine, Ergotoxin.
  • Dẫn xuất imidazol: Prazosin, Tolazoline, Phentolamine.
  • Halo ankylamin.

Thuốc ức chế hệ beta-adrenergic.

Ức chế gián tiếp hệ adrenergic.

2 Thuốc ức chế hệ beta-adrenergic

2.1 Thuốc và biệt dược

Dựa vào đặc điểm, tác dụng chia làm 2 nhóm như sau:

Nhóm 1: Ức chế không chọn lọc beta-adrenergic (ức chế beta 1 và beta 2): Propranolol (Dorocardyl 40mgAvlocardyl 40mg), Labetalol (Trandate 200mg), Timolol ( Timolol Maleate Eye Drops 0.5%, Oftan Timolol 0.25% 5ml, Duotrav 2,5ml), Pindolol, Sotalol...

Nhóm 2: Ức chế chọn lọc trên beta 1: Atenolol (Atenolol STADA 50mg, Tenormin Tablets 50mgAlodip Plus ATE), Metoprolol (Egilok 50mgBetaloc ZOK 50mgBetaloc 50mgApo - Metoprolol, Metohexal 100mg), Practolol, Betaxolol,... [1]

Hình ảnh thuốc có chứa Metoprolol
Hình ảnh thuốc có chứa Metoprolol

2.2 Dược động học

Hầu hết các thuốc đều hấp thu được qua đường tiêu hóa. Sau khi uống khoảng 1-2 giờ thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu.

Chuyển hóa qua gan lần đầu và sinh khả dụng của phần lớn các thuốc phụ thuộc vào tính hòa tan trong lipid. Propranolol, alprenolol, oxprenolol có chuyển hóa qua gan lần đầu lớn, sinh khả dụng thấp. Betaxolol, pindolol, penbutolol dễ hòa tan trong nước, ít tan trong lipid, có chuyển hóa qua gan lần đầu thấp, sinh khả dụng cao.

Thuốc phân bố tới các tổ chức trong cơ thể, qua được hàng rào máu não. Phần lớn các thuốc chuyển hóa ở gan và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Thời gian bán thải của các thuốc khác nhau, từ 10 phút đến 24 giờ. Thời gian bán thải kéo dài ở bệnh nhân suy gan, thận. 

2.3 Tác dụng

2.3.1 Tác dụng chung

Các thuốc đều có các đặc điểm tác dụng giống nhau trên tim, mạch, huyết áp, cơ trơn và chuyển hóa, chỉ khác nhau về cường độ và tác dụng.

Trên tim mạch: thuốc ức chế receptor β1- adrenergic làm giảm hoạt động của tim: giảm sức co bóp cơ tim, giảm nhịp tim, giảm dẫn truyền, giảm tiêu thụ oxy cơ tim nên có tác dụng chống loạn nhịp tim. Ở thời gian đầu dùng thuốc, sức cản ngoại biên có thể tăng nhẹ nhưng dùng lâu dài sức cản ngoại biên sẽ trở về bình thường hoặc giảm nhẹ. Thuốc làm giảm tiết renin và làm giảm huyết áp ở người bị tăng huyết áp, ít ảnh hưởng tới người bình thường. Tác dụng trên hệ tim mạch của các thuốc này càng rõ khi hệ giao cảm ở trạng thái kích thích. 

Trên cơ trơn: làm tăng co cơ trơn  khí phế quản, cơ trơn tiêu hóa (do đối kháng với beta-2).

Trên ngoại tiết: làm tăng tiết dịch khí phế quản, dịch tiêu hóa.

Trên chuyển hóa: làm giảm chuyển hóa, ức chế phân hủy glycogen và lipid, ức chế tác dụng gây tăng đường huyết của các catecholamin.

2.3.2 Các tác dụng khác

Tác dụng cường giao cảm nội tại: Ngoài các tác dụng ức chế receptor β1 như đã trình bày ở trên, một số thuốc trong nhóm (như pindolol, acebutolol…) còn có tác dụng kích thích từng phần trên receptor β-1 và β-2. Các thuốc này được gọi là có hoạt tính giao cảm nội tại. Kết quả cửa các tác dụng trái ngược nhau này làm giảm bớt tác dụng trên tim và trên phế quản của thuốc ức chế beta. Vì vậy, các thuốc ức chế beta có hoạt tính cường giao cảm nội tại ít gây tác dụng không mong muốn (như chậm nhịp tim, hen phế quản) hơn các thuốc chỉ ức chế receptor beta đơn thuần. [2]

Thuốc còn có tác dụng ổn định màng tế bào thần kinh, tế bào cơ tim và cơ vân nên cũng có tác dụng chống loạn nhịp, gây tê và an thần nhẹ.

Thuốc dùng để trị tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực.
Thuốc dùng để trị tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực.

2.4 Chỉ định

Tăng huyết áp.

Cơn đau thắt ngực.

Loạn nhịp tim do cường giao cảm, sau nhồi máu cơ tim.

Tăng nhãn áp.

Một số bệnh thần kinh: đau nửa đầu, run cơ, căng thẳng.

Giải độc thuốc cường beta-adrenergic. [3]

2.5 Tác dụng không mong muốn

Chậm nhịp tim.

Co thắt khí phế quản gây cơn hen.

Gây cơn đau và loét dạ dày, tá tràng. [4]

2.6 Chống chỉ định

Suy tim, chậm nhịp xoang, block nhĩ-thất độ 2,3.

Hen phế quản.

Loét dạ dày- tá tràng tiến triển.

Nhược cơ.

Người mang thai.

3 Thuốc ức chế trực tiếp hệ alpha-adrenergic

3.1 Thuốc ức chế alpha-adrenergic không chọn lọc 

Phetolamin là đại diện ức chế alpha-adrenergic không chọn lọc alpha-adrenergic

3.1.1 Dược động học

Hấp thu nhanh qua đường tiêm, duy trì tác dụng ngắn. Sau khi tiêm tĩnh mạch, tác dụng xuất hiện tức thì và kéo dài 15-30 phút, tiêm bắp 15-20 phút có tác dụng, duy trì 30-45 phút. Thuốc chuyển hóa ở gan và thải trừ qua nước tiểu chủ yếu dưới dạng đã chuyển hóa.

Cấu trúc của Phetolamin
Cấu trúc của Phetolamin

3.1.2 Tác dụng

Phetolamin ức chế cả receptor alpha-1, alpha-2 làm giãn mạch và hạ huyết áp. Thuốc gây tăng nhịp tim do phản xạ.

Tác dụng khác: phong bế cả receptor serotoninergic và tăng giải phóng histamin, phong bế kênh K+, kích thích cơ trơn dạ dày- ruột và tăng tiết dịch.

3.1.3 Chỉ định

Thuốc được chỉ định trong điều trị và dự phòng tăng huyết áp.

3.1.4 Tác dụng không mong muốn

Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh do phản xạ hoặc loạn nhịp.

Thiếu máu cục bộ cơ tim.

Các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn.

Viêm loét dạ dày- tá tràng cấp.

3.1.5 Chống chỉ định

Nhồi máu cơ tim hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực, thiểu năng mạch vành, xơ cứng mạch vành.

Suy thận.

3.1.6 Chế phẩm và liều dùng

Lọ ống tiêm 5mg, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

Liều dùng 5mg/ lần.

Thuốc có chứa Phetolamin
Thuốc có chứa Phetolamin

3.2 Thuốc ức chế chọn lọc alpha-1- adrenergic 

Prazosin là thuốc đại diện ức chế chọn lọc alpha-1- adrenergic 

3.2.1 Dược động học

Thuốc hấp thu qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng từ 43-82%. Thức ăn làm chậm hấp thu thuốc. Sau khi uống 1-3 giờ thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu, duy trì tác dụng 24 giờ nhưng phải điều trị 4-6 tuần mới đạt hiệu quả đầy đủ.

Thuốc phân bố khắp các tổ chức, cao nhất là ở phổi, động mạch vành, động mạch chủ, tim, thấp nhất ở não. Liên kết với protein huyết tương 97%, qua được sữa mẹ.

Thuốc chuyển hóa ở gan bằng phản ứng khử methyl. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dạng chuyển hóa.

Cấu trúc của Prazosin
Cấu trúc của Prazosin

3.2.2 Tác dụng

Trên tim mạch: prazosin ức chế chọn lọc trên receptor alpha-1 gây giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi và hạ huyết áp. Khác phetolamin, prazosin ít làm tăng nhịp tim do phản xạ. Không ảnh hưởng tới lưu lượng máu qua thận và chức năng thận.

Tác dụng khác: giãn cơ trơn tuyến tiền liệt, do đó làm tăng lưu lượng nước tiểu ở người bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính, giảm cholesterol toàn phần và LDL- cholesterol.

3.2.3 Chỉ định

Tăng huyết áp.

Suy tim sung huyết.

Phì đại tuyến tiền liệt.

3.2.4 Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng ngoại ý thường gặp:

Chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, ngủ gà.

Đánh trống ngực, hạ huyết áp thế đứng.

Khô miệng, táo bón.

Sung huyết mũi và rối loạn tình dục. [5]

3.2.5 Chống chỉ định

Suy tim do tắc nghẽn như hẹp van hai lá, hẹp động mạch chủ.

3.2.6 Chế phẩm và liều dùng

Viên nang hàm lượng 1, 2, 5mg.

Liều khởi đầu 0,5mg/ lần x 2-3 lần/ ngày, liều duy trì 1-2mg/ lần x 2 lần/ ngày.

4 Thuốc ức chế gián tiếp hệ adrenergic

Reserpin là thuốc được sử dụng nhiều nhất

4.1 Dược động học

Hấp thu qua đường uống và đường tiêm. Tác dụng xuất hiện chậm nhưng hiệu quả kéo dài (sau khi uống 2-3 ngày mới xuất hiện tác dụng và kéo dài tới 14 ngày sau khi dùng thuốc).

Dạng tiêm, thuốc xuất hiện tác dụng nhanh, bắt đầu 1-2 giờ và hết tác dụng sau 6-12 giờ. Reserpin qua được nhau thai và sữa mẹ. Thuốc được chuyển hóa thành dạng không hoạt tính và thải trừ chủ yếu qua phân.

Cấu trúc của Reserpin
Cấu trúc của Reserpin 

4.2 Tác dụng

Reserpin ức chế sinh tổng hợp và dự trữ catecholamin, tăng giải phóng catecholamin, ngăn cản thu hồi catecholamin về ngọn sợi, gây cạn kiệt catecholamin ở cả trung ương và ngoại vi, do đó ức chế thần kinh trung ương và làm giảm chức năng giao cảm.

Trên thần kinh trung ương và tâm thần: Reserpin có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, hồi hộp, lo âu, tạo trạng thái bình thản, thờ ơ với ngoại cảnh.

Trên thần kinh giao cảm: Reserpin gián tiếp ức chế alpha và beta-adrenergic gây tác dụng trên các cơ quan và tuyến như sau: gây co đồng tử, giảm chức năng tuần hoàn như giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giãn mạch và hạ huyết áp, tăng co bóp cơ trơn, tăng tiết dịch, giảm chuyển hóa, ức chế FSH và LH, rối loạn tiết sữa, giữ nước. [6]

4.3 Chỉ định

Tăng huyết áp.

Loạn nhịp tim: ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung tâm thất.

Rối loạn tâm thần thể hưng cảm.

Bệnh Raynaud.

4.4 Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng không mong muốn thường liên quan đến tác dụng cường giao cảm và ức chế thần kinh trung ương của thuốc, cụ thể như sau:

Trên thần kinh: thuốc gây buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, trầm cảm, giảm khả năng tư duy.

Trên tiêu hóa: gây rối loạn tiêu hóa như chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, loét dạ dày-tá tràng.

Trên hô hấp: gây sung huyết niêm mạc mũi.

4.5 Chế phẩm và liều dùng

Viên nén hàm lượng 0,1mg, 0,25mg, 0,5mg và 1mg. Ống tiêm 1mg.

Liều dùng: Người lớn 0,1 - 0,25mg/ ngày. Trẻ em 5 - 20mcg/kg/ ngày. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: PSG.TS Mai Tất Tố, TS Vũ Thị Trâm (Xuất bản năm 2007). Sách Dược lý học tập 1. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Bethesda (MD), Ngày đăng 3 tháng 6 năm 2018. Beta Adrenergic Blocking Agents, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của Drugs.com. Beta-adrenergic blocking agents, Drugs.com. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayo Clinic. Ngày đăng 13 tháng 8 năm 2021. Beta blockers, Mayo Clinic. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
  5. ^ Drugs.com (Ngày đăng 12 tháng 7 năm 2020). Prazosin, Drugs.com. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
  6. ^ Tác giả: Chuyên gia của Drugs.com, Ngày đăng 21 tháng 9 năm 2021. Reserpine , Drugs.com. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    nhà thuốc cho tôi hỏi tôi muốn mua thuốc Prazosin thì làm thế nào?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Dược lý về nhóm thuốc ức chế hệ adrenergic (thuốc hủy giao cảm) 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Dược lý về nhóm thuốc ức chế hệ adrenergic (thuốc hủy giao cảm)
    BH
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhà thuốc an huy uy tín, nhiều loại thuốc, thuốc chất lượng tốt

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633