Activated charcoal ( Than hoạt )
0 sản phẩm
Dược sĩ Cẩm Loan Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Activated charcoal.
Mã ATC: A07BA01.
Loại thuốc: Thuốc giải độc.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang: 260 mg.
Viên nén giải phóng chậm: 250 mg.
Hỗn dịch uống: 0,625 g/5 ml (15 g, 25 g); 1 g/5 ml (15 g, 25 g, 50 g). Thuốc cốm: 81,3% (50g).
Bột pha hỗn dịch: 15 g
Trong hệ lọc máu: 150 g, 300 g.
Viên pellet: 25 g.
2 Dược lực học
Than hoạt là một chất hấp phụ không đặc hiệu nhiều loại thuốc và hóa chất, do đó ngăn cản sự hấp thu từ Đường tiêu hóa của các chất này. Than hoạt được dùng trong điều trị ngộ độc cấp các chất độc, bao gồm quá liều thuốc từ đường uống. Để có hiệu quả cao nhất, sau khi đã uống phải chất độc, cần uống than hoạt càng sớm càng tốt, tuy nhiên, than hoạt vẫn có thể có hiệu lực tới 8 giờ sau khi uống phải một số thuốc chậm hấp thu. Khi được uống làm nhiều liều (than hoạt đa liều), than hoạt tạo ra và duy trì chênh lệch nồng độ ở thành ống tiêu hóa, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các chất độc khuếch tán thụ động từ máu vào lòng ruột và được than hấp phụ. Một số chất độc có chu trình gan ruột nên dùng than hoạt đa liều giúp ngăn chặn việc tái hấp thu vào máu. Có các chất độc khi vào đường tiêu hóa được liên hợp thành chất không độc nhưng sau đó được vi khuẩn ở ruột thủy phân thành chất độc, than hoạt đa liều cũng có thể góp phần giải quyết hiện tượng này. Dùng than hoạt đa liều làm tăng thải qua phân những thuốc như glycosid trợ tim, barbiturat, salicylat, theophylin. Trường hợp người bệnh uống các chất độc dạng thuốc giải phóng kéo dài, chất độc dạng bao, gói, mảnh hoặc đã đóng vón trong đường tiêu hóa thì cũng có thể cần dùng than hoạt đa liều.
Than hoạt cũng hấp phụ các enzym, vitamin, acid amin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác từ đường tiểu hóa, tuy nhiên tác dụng này không quan trọng khi thuốc được sử dụng trong xử trí ngộ độc cấp.
3 Dược động học
Than hoạt không được hấp thu qua đường tiêu hóa và được thải trừ nguyên dạng theo phân. Phân có màu đen. Than hoạt có thể được dùng để đánh dấu phân.
4 Chỉ định
Điều trị cấp cứu ngăn cản hấp thu thuốc hoặc chất độc do ngộ độc cấp. Tăng thải trừ một số chất độc có chu trình gan - ruột hoặc ruột - ruột, ví dụ: amatoxin, Amitriptylin, Colchicin, cyclosporin, carbamazepin, dapson, digitoxin, nadolol, nortriptylin, Phenobarbital, phenyl- butazon, propoxyphen, quinin, salicylat, theophylin. Các chất độc có chuyển hóa gây độc trong lòng ruột.
5 Chống chỉ định
Người bị liệt ruột, tắc ruột, thủng đường tiêu hóa, bệnh nhân mới phẫu thuật, nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa.
Tránh dùng trước khi nội soi sau khi uống chất ăn mòn trừ khi cần ưu tiên hấp phụ chất độc khác ở đường tiêu hóa, đường thở không được bảo vệ, ngộ độc mà nguy cơ hít phải chất độc tăng cao do nôn, trào ngược trong khi lợi ích của than hoạt không rõ ràng (ví dụ ngộ độc hydrocarbon).
6 Thận trọng
Thận trọng dùng cho người hay bị sặc, người có rối loạn điện giải hay mất nước, huyết áp thấp. Không nên dùng than hoạt khi nhu động ruột giảm, có nguy cơ tắc ruột.
Không nên sử dụng cùng với thuốc chống nôn đường uống tác dụng toàn thân hoặc thuốc giải độc đặc hiệu, vì những thuốc này sẽ bị than hoạt hấp phụ.
Thức ăn có thể hạn chế khả năng hấp phụ của than hoạt.
Than hoạt có hiệu quả thấp trong điều trị ngộ độc các acid mạnh, kiềm mạnh hay các chất ăn mòn khác. Than hoạt hấp phụ kém với cyanid, muối Sắt và một số dung môi hữu cơ như Ethanol, methanol hoặc ethylen glycol.
Ở người hôn mê, chỉ nên dùng than hoạt khi đã đặt ống nội khí quản có bơm bóng chèn để bảo vệ đường thở.
Các nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến dùng than hoạt bao gồm nôn, than hoạt đi vào phổi (có thể gây tử vong), tắc ruột (khi dùng đa liều).
7 Thời kỳ mang thai
Không có bằng chứng thuốc không nên dùng cho người mang thai. Thuốc không được hấp thu toàn thân.
8 Thời kỳ cho con bú
Không có bằng chứng thuốc không nên dùng trong thời kỳ cho con bú. Thuốc không được hấp thu toàn thân.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Than hoạt nói chung không độc.
9.1 Thường gặp
Tiêu hóa: phân đen, nôn, táo bón, ỉa chảy.
9.2 Hiếm gặp
Hít hoặc trào ngược vào phổi, đặc biệt khi rút ống thông hoặc khi dùng chất gây nôn, hoặc đặt nhầm ống thông. Trường hợp này gây viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Hạ huyết áp, mất cân bằng điện giải, tắc ruột (khi dùng đa liều).
9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Hướng dẫn người bệnh uống thuốc chậm vì uống nhanh sẽ tăng gây nôn. Xem thêm mục Quá liều và xử trí.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Phải dùng than hoạt càng sớm càng tốt trong điều trị ngộ độc cấp, tốt nhất là 30 - 60 phút, phổ biến trong vòng 6 giờ, nhưng có thể tới 8 giờ sau khi uống phải một số chất độc. Liều dùng một lần thường khoảng 50 g (25 - 100 g) được khuấy trong 250 ml nước, lắc kỹ trước khi uống. Có thể dùng qua ống thông vào dạ dày. Trẻ em: Để dễ uống, có thể pha thêm saccarin, đường hoặc Sorbitol. Trẻ nhỏ dùng than hoạt cần được bác sĩ theo dõi cân bằng nước và điện giải.
10.2 Liều dùng
10.2.1 Giảm hấp thu chất độc trong dạ dày - ruột
Than hoạt đơn liều: Người lớn và trẻ em dùng liều 1 g/kg thể trọng.
10.2.2 Tăng thải trừ các chất độc có chu trình gan ruột, ruột - ruột, các chất có chuyển hóa gây độc trong lòng ruột, uống các chất độc dạng miếng, bao, gói, viên giải phóng chậm, các chất độc đóng vốn trong lòng ruột
Than hoạt đa liều: Người lớn và trẻ em, liều ban đầu 1 g/kg thể trọng. Liều nhắc lại dao động từ 0,25 - 0,5 g/kg mỗi 1 đến 6 giờ. Liều nhắc lại 0,5 g/kg cho mỗi 4 - 6 giờ và trong thời gian 12 - 24 giờ là hợp lý trong phần lớn các trường hợp. Các liều nhắc lại và khoảng cách giữa các liều phụ thuộc độc tính và lượng chất độc, tình trạng và nguy cơ diễn biến nặng của người bệnh, khả năng dung nạp của người bệnh. Nói chung việc chia nhỏ liều và truyền hoặc đưa chậm vào đường tiêu hóa kết hợp các biện pháp chống nôn, chống trào ngược giúp tăng hiệu quả và an toàn của thuốc.
10.2.3 Tăng loại bỏ teriflunomid
Người lớn: Dùng dạng cốm qua miệng, 50 g mỗi 12 giờ trong 11 ngày.
10.2.4 Tăng loại bỏ leflunomid (thủ thuật rửa trôi)
Người lớn: Dùng dạng cốm qua miệng, 50 g/lần, 4 lần/ngày, trong 11 ngày.
11 Tương tác thuốc
Than hoạt làm giảm hấp thu của nhiều thuốc từ đường tiêu hóa và do vậy tránh dùng đồng thời thuốc điều trị đường uống. Trong xử lý ngộ độc cấp, nên dùng các thuốc phối hợp theo đường tiêm. Than hoạt làm giảm tác dụng của các thuốc gây nôn. Nếu có chỉ định, phải gây nôn trước khi dùng than hoạt.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Có thể gặp đau bụng, chướng bụng, nôn, táo bón, tắc ruột. Các triệu chứng về hô hấp, viêm phổi hít nếu hít phải than hoạt.
12.2 Xử trí
Điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Theo dõi mất nước và điện giải. Theo dõi khí máu động mạch, oxy máu; làm các xét nghiệm chức năng phổi, chụp X-quang phổi nếu có các triệu chứng về hô hấp. Nội soi phế quản có thể cần ở những bệnh nhân hít than nặng. Dùng thuốc nhuận tràng nếu có táo bón.
Cập nhật lần cuối: 2020