Dexmedetomidin

0 sản phẩm

Dexmedetomidin

Ngày đăng:
Cập nhật:

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022 

DEXMEDETOMIDIN 

Tên chung quốc tế: Dexmedetomidin. 

Mã ATC: N05CM18. 

Loại thuốc: thuốc an thần gây ngủ

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Dung dịch truyền tĩnh mạch: 200 microgam/2 ml, 400 microgam/4 ml, 1 000 microgam/10 ml. 

2 Dược lực học 

Dexmedetomidin là một chất chủ vận thụ thể alpha-2 chọn lọc, có tác dụng hủy giao cảm thông qua việc giảm giải phóng noradrenalin tại đoạn cuối của thần kinh giao cảm.

Dexmedetomidin có tác dụng an thần, giảm đau, giải lo âu và tiết kiệm thuốc mê. Các tác dụng trên tim mạch phụ thuộc vào liều lượng: với tốc độ truyền thấp hơn, các tác dụng trung tâm chiếm ưu thế dẫn đến giảm nhịp tim và huyết áp; với liều cao hơn, tác dụng co mạch ngoại vi chiếm ưu thế dẫn đến tăng sức cản mạch máu toàn thân và huyết áp trong khi tác dụng làm chậm nhịp tim mạnh hơn.

Dexmedetomidin không có tác dụng ức chế hô hấp khi dùng đơn trị liệu cho người khỏe mạnh. 

3 Dược động học 

Phân bố: Thuốc nhanh chóng được phân bố vào cơ thể. Thuốc qua được hàng rào nhau thai và tiết qua sữa mẹ. Thể tích phân bố ở trạng thái ổn định khoảng 118 phút. Liên kết với protein huyết thanh khoảng 94%. 

Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa gần như hoàn toàn bằng liên hợp với acid glucuronic, hydroxy hóa aliphatic mạch thẳng qua CYP2A6 và N-methyl hóa. 

Thải trừ: Nửa đời thải trừ khoảng 2 giờ. 95% thuốc được thải trừ qua nước tiểu và 4% được thải trừ qua phân. Rất ít thuốc được thải trừ ở dạng không đổi qua nước tiểu và qua phân. 

4 Chỉ định 

An thần cho bệnh nhân đặt nội khí quản và thở máy trong quá trình điều trị tích cực. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với dexmedetomidin. 

Blốc nhĩ thất độ 2 hoặc 3 (trừ khi đã đặt máy tạo nhịp). 

Hạ huyết áp không kiểm soát được. 

Bệnh cấp tính về mạch máu não. 

6 Thận trọng 

Cần theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình sử dụng thuốc, đặc biệt là các dấu hiệu về tim mạch. 

Không khuyến cáo tiêm bolus hoặc dùng liều nap dexmedetomidin do có thể gây tăng huyết áp thoáng qua. Nếu cần tác dụng an thần cấp có thể dùng thuốc an thần khác. 

Dexmedetomidin làm giảm nhịp tim và huyết áp thông qua ức chế thần kinh giao cảm trung ương nhưng ở nồng độ cao hơn gây co mạch ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, dexmedetomidin không phù hợp để sử dụng cho những bệnh nhân mất ổn định nặng về tim mạch. 

Cần thận trọng khi dùng dexmedetomidin cho bệnh nhân bị nhịp tim chậm trước đó. Bệnh nhân vận động thể lực mạnh và nhịp tim chậm khi nghỉ ngơi có thể đặc biệt nhạy cảm với tác dụng gây chậm nhịp tim của thuốc chủ vận thụ thể alpha-2 và có thể gây ngừng xoang thoảng qua. 

Cần thận trọng do tác dụng hạ huyết áp của dexmedetomidin có thể mạnh hơn ở những bệnh nhân bị hạ huyết áp trước đó (đặc biệt là nếu không đáp ứng với thuốc vận mạch), hạ Kali huyết, hạ huyết áp mạn tính hoặc giảm dự trữ chức năng như bệnh nhân bị rối loạn chức năng tâm thất nặng và người già. 

Cần thận trọng ở bệnh nhân bị suy giảm hoạt động tự chủ ngoại vi (như sau chấn thương tủy sống) do sự thay đổi huyết động có thể rõ rệt hơn sau khi bắt đầu dùng dexmedetomidin. 

Cần theo dõi chặt bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim hoặc bệnh mạch máu não nặng do tác dụng co mạch cục bộ có thể mạnh hơn nhiều khi dùng nồng độ thuốc cao. Nên xem xét giảm liều hoặc ngừng thuốc ở bệnh nhân có các dấu hiệu thiếu máu cơ tim hoặc não. Cần thận trọng khi dùng dexmedetomidin cùng với các thuốc gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng do có thể tăng nguy cơ hạ huyết áp hoặc nhịp tim chậm. 

Cần thận trọng ở bệnh nhân suy gan nặng do dùng quá liều có thể làm tăng nguy cơ gặp ADR, an thần quá mức hoặc kéo dài tác dụng do giảm thanh thải dexmedetomidin. 

Cần thận trọng khi sử dụng dexmedetomidin ở bệnh nhân có các rối loạn thần kinh nghiêm trọng như chấn thương đầu và sau phẫu thuật thần kinh, đặc biệt nếu cần phải dùng thuốc an thần sâu. Cần cân nhắc trước khi sử dụng do dexmedetomidin có thể làm giảm lưu lượng máu não và áp lực nội sọ. 

Nếu ngừng thuốc đột ngột khi đang dùng thuốc kéo dài có thể gây hội chứng ngừng thuốc tương tự như các thuốc chủ vận alpha-2 khác bao gồm hồi hộp, kích động và đau đầu, kèm theo hoặc theo sau là tăng huyết áp nhanh chóng và tăng nồng độ catecholamin trong huyết tương. Không nên dùng dexmedetomidin quá 24 giờ. 

Dexmedetomidin có thể gây tăng thân nhiệt kháng các phương pháp làm mát truyền thống. Nên ngừng điều trị bằng dexmedetomidin trong trường hợp sốt kéo dài không giải thích được và không được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân nhạy cảm với tăng thân nhiệt. 

7 Thời kỳ mang thai 

Rất ít dữ liệu về sử dụng dexmedetomidin ở phụ nữ mang thai, Các nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính trên sinh sản như làm giảm trọng lượng thai, chết phôi thai. Không nên sử dụng dexmedetomidin trong khi mang thai trừ khi tình trạng lâm sàng của người phụ nữ cần thiết phải sử dụng dexmedetomidin. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Dexmedetomidin được bài tiết qua sữa mẹ, tuy nhiên ở nồng độ thấp hơn giới hạn có thể phát hiện được trong 24 giờ sau khi ngừng điều trị. Không thể loại trừ nguy cơ cho trẻ. Cần xem xét ngừng cho con bú hoặc ngừng điều trị bằng dexmedetomidin sau khi cân nhắc giữa lợi ích của việc cho con bú đối với trẻ và lợi ích của việc điều trị cho người mẹ. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

ADR thường gặp nhất của dexmedetomidin như hạ huyết áp, tăng huyết áp, nhịp chậm xảy ra ở các tỷ lệ tương ứng là 25%, 15% và 13% bệnh nhân và suy hô hấp. Ngoài ra ADR khác sắp xếp theo tần suất như sau: 

Thường gặp 

Chuyển hóa và dinh dưỡng: tăng đường huyết, hạ đường huyết

Tâm thần: kích thích. 

Tim mạch: thiếu máu cơ tim, đột quỵ, nhịp nhanh, rung nhĩ

Hô hấp: phù phổi, tràn dịch màng phổi, thiếu ôxy. 

Tiêu hóa: nôn, buồn nôn, khô miệng. 

Thận và tiết niệu: thiểu niệu. 

Toàn thân và vị trí tiêm: hội chứng ngừng thuốc, tăng thân nhiệt, nhiễm trùng, đau. 

Ít gặp 

Chuyển hóa và dinh dưỡng: nhiễm toan chuyển hóa, nhiễm toan hô hấp, hạ Albumin, tăng kali huyết, tăng phosphatase kiềm, cảm giác khát. 

Tâm thần: ảo giác, nhầm lẫn, mê sảng, buồn ngủ. 

Tim mạch: blốc nhĩ thất độ 1, giảm cung lượng tim, loạn nhịp, ngừng tim, đảo ngược sóng T, nhịp nhanh trên nhĩ, nhịp nhanh trên thất, ngoại tâm thu

Hô hấp: khó thở, ngưng thở, co thắt phế quản, khó thở, tăng CO2 huyết, thở chậm, tắc nghẽn phổi. 

Tiêu hóa: căng bụng, đau bụng, tiêu chảy, tăng GGT, SGOT, SGPT.

Toàn thân và vị trí tiêm: thuốc không có hiệu quả, sốt, sốt cao, giảm thể tích máu, gây mê sảng nhẹ, rét run, tăng ra mồ hôi. 

TKTW và ngoại vi: chóng mặt, đau đầu, rối loạn nói, đau dây thần kinh, viêm dây thần kinh. 

Thị lực: lóa mắt, thị lực bất thường. 

Chưa xác định được tần suất 

Thận và tiết niệu: đa niệu. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Có thể pha loãng thuốc dexmedetomidin trong dung dịch Glucose 5%, Ringer lactat, Manitol hoặc Natri clorid 0,9% để được dung dịch pha loãng cuối cùng có nồng độ là 4 microgam/ml hoặc 8 microgam/ml.

Thể tích dung dịch pha loãng được tính như sau: Để được dung dịch pha loãng cuối cùng có nồng độ 4 microgam/ml: 

Thể tích dexmedetomidin với nồng độ 100 microgam/ml  

Thể tích dung dịch pha loãng

Thể tích cuối cùng thu được

2 ml 

48 ml 

̀50 ml 

4 ml 

96 ml 

100 ml 

10 ml 

240 ml 

250 ml 

20 ml 

480 ml 

500 ml 

Để được dung dịch pha loãng cuối cùng có nồng độ 8 microgam/ml: 

Thể tích dexmedetomidin với nồng độ 100 microgam/ml  

Thể tích dung dịch pha loãng

Thể tích cuối cùng thu được

4 ml 

46 ml 

̀50 ml 

8 ml 

92 ml 

100 ml 

20 ml 

230 ml 

250 ml 

40 ml 

460 ml 

500 ml 

Lắc dung dịch nhẹ nhàng để thuốc đồng nhất trong dung môi. 

Trước khi tiêm truyền, kiểm tra bằng mắt thường, nếu thấy có các hạt tủa và có sự đổi màu thì không dùng. 

10.2 Liều lượng 

Cần chỉnh liều theo từng bệnh nhân và mức độ an thần mong muốn đạt được. 

Người lớn ≥ 18 tuổi: Liều nạp là 1 microgam/kg, truyền trên 10 phút, tiếp theo dùng liều duy trì từ 0,2 - 0,7 microgam/kg/giờ. Tốc độ truyền cần được chỉnh theo mức độ an thần mong muốn đạt được. Không truyền dexmedetomidin quá 24 giờ. 

Cần giảm liều duy trì ở bệnh nhân suy gan. 

Cân nhắc giảm liều ở bệnh nhân có mức lọc cầu thận < 30 ml/phút.

11 Tương tác thuốc 

Thuốc gây mê/an thần/gây ngủ/chủ vận opiat: Dùng dexmede- tomidin cùng các thuốc sevofluran, isofluran, Propofol, alfentanil và Midazolam làm tăng tác dụng an thần, gây mê và tác dụng trên tim mạch, hô hấp. Cần giảm liều dexmedetomidin khi dùng cùng các thuốc gây mê, an thần, gây ngủ, chủ vận opiat. 

Các thuốc gây chậm nhịp tim: Dùng dexmedetomidin cùng các thuốc gây chậm nhịp tim như thuốc chẹn thụ thể beta làm tăng tác dụng gây hạ huyết áp và chậm nhịp tim. 

12 Tương kỵ, tương hợp 

Dexmedetomidin có khả năng bị hấp phụ vào một số loại Cao Su tự nhiên. Nên sử dụng các dụng cụ có thành phần là cao su tổng hợp hoặc cao su tự nhiên đã được tráng bề mặt tiếp xúc để đựng thuốc.

Không được pha trộn dexmedetomidin với các thuốc nào ngoài các dung dịch sau: Ringer lactat, glucose 5%, natri clorid 0,9%, manitol 20%, natri thiopental, etomidat, vecuronium bromid, pancuronium bromid, succinylcholin, atracurium besylat, mivacurium clorid, Rocuronium bromid, glycopyrolat bromid, phenylephrin hydroclorid, atropin sulfat, dopamin, noradrenalin, dobutamin, midazolam, Morphin sulfat, Fentanyl citrat và một chất thay thế huyết tương. 

13 Quá liều và xử trí 

Triệu chứng: ADR phổ biến nhất được báo cáo do quá liều bao gồm nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tăng huyết áp, an thần quá mức, ức chế hô hấp và ngừng tim. 

Xử trí: Trong trường hợp quá liều và có các triệu chứng lâm sàng, nên giảm hoặc ngừng truyền dexmedetomidin. Khi dùng thuốc ở nồng độ cao, triệu chứng tăng huyết áp có thể thường gặp hơn hạ huyết áp. Trong các nghiên cứu lâm sàng, các trường hợp ngừng xoang tự phục hồi hoặc đáp ứng với điều trị bằng atropin và glycopyrolat. Cần hồi sức cấp cứu trong trường hợp quá liều nghiêm trọng dẫn đến ngừng tim. 

Cập nhật lần cuối: 2019 
 

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Dexmedetomidin

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633